Dấu ấn văn hóa Ấn Độ trong tư duy nghệ thuật của Hồ Anh Thái

PGS TS. Nguyễn Văn Hạnh[1]

Thuộc thế hệ nhà văn thời hậu chiến, Hồ Anh Thái đã sớm xác lập cho mình một vị thế rõ ràng trong văn học Việt Nam hiện đại. Với một tư duy nghệ thuật độc đáo, ông đã góp phần mang đến sức sống mới cho tiểu thuyết và truyện ngắn Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Ở đó, mức độ đậm, nhạt có khác nhau, tác phẩm của Hồ Anh Thái đều mang dấu ấn văn hóa Ấn Độ, nhất là những sáng tác ở thời kỳ Ấn Độ và “hậu Ấn Độ”. Phẩm cách cá nhân, vốn văn hóa Đông – Tây và những trải nghiệm sâu sắc về Ấn Độ đã góp phần tạo nên một kiểu tư duy mới, lạ, một phong cách nghệ thuật độc đáo, mang dấu ấn riêng, rất riêng, chỉ có ở Hồ Anh Thái.

Cho đến nay, Hồ Anh Thái đã có hơn ba mươi năm nghiên cứu về Ấn Độ, viết về Ấn Độ, trở thành một nhà Ấn Độ học hàng đầu ở Việt Nam, một nhà văn Việt Nam viết nhiều nhất về Ấn Độ. Năm 1987, rời quân ngũ, Hồ Anh Thái trở lại công tác trong ngành ngoại giao, một ngành mà ông yêu thích và được đào tạo trước đó. Ông đã chọn Ấn Độ làm điểm đến. Đó là một bước ngoặt, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc đời và con đường sáng tạo nghệ thuật của ông. Nói về điều này, Hồ Anh Thái cho rằng đó là sự may mắn, là “cơ duyên”, giúp ông có “cơ hội được đắm chìm trong cái đại dương văn hóa Ấn Độ” (Văn nghệ, số 12, ngày 22/3/2008), điều mà trước ông, cùng thời với ông, không một nhà văn Việt Nam nào có được, và có thể lâu sau này cũng thế. Ý thức được điều đó, Hồ Anh Thái đã đi, đã sống và trải nghiệm với nền văn hóa ấy, một nền văn hóa vừa gần gũi, vừa xa lạ với tâm thức văn hóa Việt Nam. Ông đã chọn Ấn Độ, hay Ấn Độ đã chọn ông? Là sự lựa chọn của kiếp này hay của tiền kiếp? quả là khó lý giải một cách thấu đáo khi nhìn vào những gì ông đã sống, đã viết hơn ba mươi năm qua.

Xuất hiện trên văn đàn từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước, khi mới 18 tuổi, đến nay Hồ Anh Thái đã có một gia tài văn học khá đồ sộ, chủ yếu tập trung ở hai thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết. Không ít tác phẩm của ông đã được dịch, giới thiệu ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Nếu xem những tháng năm Hồ Anh Thái sống và viết trên đất Ấn Độ là một dấu mốc, có thể chia quá trình sáng tác của ông thành ba giai đoạn: tiền Ấn Độ, Ấn Độ và hậu Ấn Độ. Dĩ nhiên, đây chỉ là cách phân chia thuần túy hình thức, dựa vào thời điểm sáng tác, chưa quan tâm đến những chỉ dấu khác biệt trong tư duy nghệ thuật. Từ những tiểu thuyết đầu tay, như: Người và xe chạy dưới ánh trăng (1987), Trong sương hồng hiện ra (1989) hay những truyện ngắn viết trên đất Ấn Độ, in trong tập Tiếng thở dài qua rừng kim tước (1995) cho đến những tác phẩm ra đời trong thập niên đầu của thế kỷ XXI, như: Cõi người rung chuông tận thế (2002), Đức Phật, nàng Savitri và tôi (2007), Hồ Anh Thái đều thể hiện một kiểu tư duy, một phong cách nghệ thuật riêng. Càng về sau, càng rõ nét, sâu sắc hơn. Đây là hiện tượng hiếm gặp, chỉ có ở những tài năng văn chương, có cá tính sáng tạo, sớm định hình phong cách.

Những ngày đầu đến Ấn Độ, Hồ Anh Thái đã bị mê hoặc bởi vẻ kỳ bí của một nền văn hóa phong phú, đa dạng, lâu đời vào loại bậc nhất của nhân loại. Ở đó không chỉ có hiện tại, mà còn có cả một trầm tích văn hóa được tích tụ qua bao biến thiên, thác ghềnh của hàng ngàn năm lịch sử. Ông đã thực sự đắm, say nền văn hóa ấy – một nền văn hóa mà theo ông là “còn lưu giữ hầu như nguyên ven mọi thứ. Không phải lưu giữ hiện vật chết trong bảo tàng, mà lưu bằng cả một đất nước, một xã hội sống động” (Hồ Anh Thái, Namaskar! Xin chào Ấn Độ, Nxb Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2008, tr.8). Ông nỗ lực thẩm nhập vào nền văn hóa ấy bằng niềm hứng thú, điềm tĩnh của một nhà khảo cứu và sự nhạy cảm của một nghệ sĩ. Ông nhận thức về Ấn Độ không chỉ bằng tư duy mà cả bằng trực giác và những chiêm nghiệm, suy tư. Sau ba năm đến Ấn Độ, Hồ Anh Thái đã có những trang viết đầu tiên thể hiện khả năng quan sát, suy tư về đất nước con người Ấn Độ. Trong đó nổi bật là bút ký Đất Phật ở Ấn Độ (1991). Với bút ký này, Hồ Anh Thái là người Việt Nam đầu tiên viết về ngôi chùa Việt Nam (Việt Nam Phật Quốc tự) ở Boddhgaya, nơi Siddhattha đốn ngộ, trở thành Đức Phật. Ở đó, ẩn mình bên những khóm tre, bờ trúc, ao sen… là một ngôi chùa mang hồn cốt văn hóa Việt Nam. Trụ trì chùa là thiền sư Huyền Diệu, một người Việt Nam đã có bằng tiến sĩ Phật học ở phương Tây, nhưng chỉ nhận mình là “người quét chùa Việt Nam ở xứ Phật”. Đây là sự khởi đầu một dòng cảm hứng mãnh liệt trong sáng tạo nghệ thuật của Hồ Anh Thái. Hàng loạt truyện ngắn về Ấn Độ đã ra đời sau đó, như: Người đứng một chânNgười Ấn, Tiếng thở dài qua rừng kim tước, Cuộc đổi chác, Đàn kiến, Lá quốc thư, Chuyện cuộc đời Đức Phật, Đến muộn, Kiếp người đi qua, Thi nhân… đã đưa tên tuổi Hồ Anh Thái vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Hơn mười năm sau đó, Hồ Anh Thái trở lại đề tài Ấn Độ với tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi và một biên khảo về Ấn Độ – Namaska! Xin chào Ấn Độ.

Đọc những sáng tác của Hồ Anh Thái viết về Ấn Độ, một điều dễ thấy là sự phong phú đa dạng của đề tài. Có những đề tài được khai thác từ hiện thực đời sống Ấn Độ thời hiện đại, như ở các truyện ngắn Người Ấn, Cuộc đổi chác, Đàn kiến, Lá quốc thư, Đến muộn, Kiếp người đi qua, Thi nhân… Có những đề tài được ông vay mượn từ những motif, những câu chuyện trong tôn giáo, văn chương Ấn Độ truyền thống, tiêu biểu là các tác phẩm: Chuyện cuộc đời Đức Phật; Kiếp người đi qua; Đức Phật, nàng Savitri và tôi. Nhìn vào những đề tài Hồ Anh Thái sáng tác ở thời kỳ này, không khó để nhận ra, đó là những vấn đề không mới. Cái mới của Hồ Anh Thái là hướng tiếp cận, thể hiện một cách nhìn mới về những vấn đã cũ. Ông đã nhận thức lại những vấn đề truyền thống bằng nhãn quan một nhà khảo cứu và trực giác của nghệ sĩ. Từ những quan sát, trải nghiệm, suy tư, ông đã nhận ra điểm nổi bật làm nên đặc trưng, diện mạo của văn hóa Ấn Độ. Đó là sự thống nhất của những đối nghịch. Ở đó trong suốt hàng ngàn năm luôn có sự đồng hành, chung sống, vừa xung khắc vừa hòa hợp giữa đạo và đời. Nó được khơi nguồn từ Veda, Upanishad, chảy qua văn hóa Phật giáo, văn hóa Ấn – Hồi, lan tỏa đến thời hiện đại. Nhận thức được điều đó, Hồ Anh Thái đã thể hiện một cách nhìn, cách lý giải riêng trước những vấn đề đặt ra trong đời sống hiện đại. Các truyện ngắn Đàn kiếnĐi khỏi thung lũng mới đến nhàĐến muộn… đều thể hiện cách nhìn này. Đặc biệt là tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi. Ở Việt Nam, viết về Đức Phật, Hồ Anh Thái không phải là người mở đầu. Trước ông, Thích Nhất Hạnh với Đường xưa mây trắng (1988), Võ Đình Cường với Ánh đạo vàng (1999), đã có những thành công nhất định trong việc nghệ thuật hóa cuộc đời Đức Phật. Trong Đường xưa mây trắng, Thích Nhất Hạnh đã thể hiện một cái nhìn nghiêm túc, khoa học về Đức Phật và giáo lý của Ngài. Ông đã thế tục hóa cuộc đời Đức Phật, vén tấm màn sương khói hư ảo mang đến cho người đọc một cái nhìn gần hơn, thực hơn về Đức Phật. Cũng như Thích Nhất Hạnh, Hồ Anh Thái đã nhìn Ðức Phật với một cái nhìn gần, trực tiếp của một nhà tiểu thuyết. Là một thể loại có tính dân chủ nhất trong các thể loại văn học, tiểu thuyết mở rộng biên độ dường như vô hạn, cho trí tưởng tượng và năng lực sáng tạo của nhà văn. Khoảng cách giữa chủ thể sáng tạo và nhân vật đã được san lấp, cả về thời gian và tâm thế. Theo đó, nhân vật của Hồ Anh Thái được soi chiếu từ nhiều góc độ, khúc xạ trong ánh sáng hư cấu. Đức Phật vừa hiền minh, vừa trần thế, mang đậm tính người. Hồ Anh Thái không tựa lưng vào lịch sử để viết một tiểu thuyết lịch sử – tư liệu thông thường. Mặt khác ông không để cho những tưởng tượng, hư cấu vượt khỏi tầm kiểm soát của ý thức nghệ thuật. Ông luôn thể hiện cái nhìn nhất quán trong việc khám phá sự thống nhất giữa đạo và đời, siêu thoát và nhập thế trong hình tượng Đức Phật. Đặt hình tượng Đức Phật vào vị thế trung tâm trong bộ ba nhân vật (Đức Phật, nàng Savitri, tôi) nhưng Hồ Anh Thái không tập trung ánh sáng chiếu rọi vào Đức Phật. Thay vào đó ông liên tục di chuyển điểm nhìn, góc nhìn. Ở đó có sự pha trộn, kết hợp giữa cái nhìn dục lạc, trần thế của Savitri với cái nhìn điềm tĩnh, thâm trầm, lắng đọng suy tư của nhân vật “Tôi”. Hồ Anh Thái không ngần ngại đưa vào tiểu thuyết những trang viết về thú hoan lạc của đời sống trần thế qua các nhân vật Savitri, Juhi, Yasa. Tuy nhiên, điều này không nhằm gợi dục, gây sốc, hay “hạ bệ”, “giải thiêng” một vĩ nhân được linh hóa hàng ngàn năm. Ẩn sâu trong đó là những đối thoại, suy tư về Đức Phật, về ý nghĩa, bản chất đời sống trần thế. Ông mang đến cho người đọc cách nhìn, cách nghĩ mới về Đức Phật với cảm xúc yêu thương, thành kính. Đức Phật không cao siêu đến mức xa lạ, thần bí. Bậc vĩ nhân ấy không phải là thần thánh mà là một con người với đầy đủ ý nghĩa của nó. Ngài vĩ đại trong trong tư cách một con người. Với cái nhìn ấy, Hồ Anh Thái đã có được một Đức Phật của riêng mình, theo cách của mình. Bên cạnh Đức Phật, Savitri là một sự bổ sung, cụ thể hóa nguyên lý tương hợp, xung khắc trong văn hóa Ấn Độ. Savitri của thì hiện tại trong hình hài một hướng dẫn viên du lịch, là sự tương hợp, xung khắc của Savitri của 26 thế kỷ trước và Savitri – Nữ Thần Đồng Trinh (Kumari) bị phế truất. Nàng vừa là quá khứ vừa là hiện tại; vừa tôn kính chủ nghĩa khổ hạnh, vừa tôn thờ đời sống dục lạc. Chưa bao giờ nàng có được cái cảm giác bình yên trong tinh thần, ngay cả khi đắm say trong hoan lạc. Đó là bi kịch của phận người.

Viết về thân phận con người, dù là tiểu thuyết hay truyện ngắn, Hồ Anh Thái luôn thể hiện một cái nhìn hướng nội, nỗ lực khám phá phần chìm lấp trong bản thể con người. Ở đó không chỉ có ý thức mà cả vô thức, tiềm thức, bản năng; có những khuất lấp, mơ hồ, hỗn độn. Tư duy duy lý khó chạm đến thế giới ấy. Thay vào đó là trực giác, suy tư. Ranh giới giữa khách thể và chủ thể, nội tâm và ngoại giới không còn tồn tại. Theo cách nói của R. Tagore, đó là một “hiện thực tinh thần”. Với thiên hướng nghệ thuật đó, sáng tác của Hồ Anh Thái đã đi vào quỹ đạo của dòng văn xuôi hướng nội trong văn học phương Đông thế kỷ XX, mà tiêu biểu là tiểu thuyết R. Tagore (1861 – 1941) và tiểu thuyết Y. Kawabata (1899 – 1972). Những vấn đề văn hóa, xã hội đã được Hồ Anh Thái chuyển thành những vấn đề tâm lý, nhân cách cá nhân, cá tính. Sức hấp dẫn của tác phẩm không phải ở những vấn đề đặt ra, mà ở khả năng phân tích thế giới nội tâm nhân vật. Các biện pháp kỹ thuật của văn xuôi hiện đại như dòng ý thức, độc thoại nội tâm được Hồ Anh Thái sử dụng. Ông cấu trúc tác phẩm dựa trên nguyên tắc lấy thế giới nội tâm nhân vật làm điểm quy chiếu mọi sự kiện, chi tiết. Cốt truyện có xu hướng phân mảnh, bị nhòe mờ, nhất là trong tiểu thuyết. Nhân vật được đặt trong không gian tâm linh, với những xung đột nội tâm gay gắt. Vừa ân hận tiếc nuối, vừa khát khao, kìm nén. Tân (Trong sương hồng hiện ra), Raja, Nilam (Tiếng thở dài qua rừng kim tước), Mai Trừng (Cõi người rung chuông tận thế), Savitri, Siddhattha (Đức Phật, nàng Savitri và tôi)… là những nhân vật như thế. Theo đó, lối phân chia nhân vật theo kiểu nhị phân, đối lập chính/ tà; thiện/ ác, không phù hợp với hệ thống nhân vật của Hồ Anh Thái. Kiểu nhân vật – con người cô đơn xuất hiện phổ biến trong hầu hết tác phẩm của ông. Đây là điểm gặp gỡ giữa sáng tác của Hồ Anh Thái với văn chương Ấn Độ. Một Yudhisthira bơ vơ mỏi mệt, lòng nặng trĩu ưu tư trước cổng Thiên Quốc sau một cuộc hành hương đầy khổ ải trong Mahabharata; một đạo sĩ Kanwa đang đắm mình trong những phút giây thiền định nơi thủy tận sơn cùng trong Shakuntala của Kalidasa… đều mang bóng dáng con người cô đơn trong cái vô cùng vô tận của vũ trụ. Điều này có nguồn gốc ở tôn giáo, triết học Ấn Độ. Nghiên cứu xã hội Ấn Độ truyền thống, trong Phát hiện Ấn Độ (The discovery of India), J. Nehru viết: “Cần phải nhớ rằng, trong khi xu hướng xã hội Ấn Độ là lệ thuộc cá nhân vào các yêu cầu của nhóm và xã hội thì tư tưởng tôn giáo và sự tìm tòi tinh thần luôn nhấn mạnh đến cá nhân. Sự siêu thoát và hiểu biết chân lý tối hậu là mở ngỏ cho tất cả mọi người, cho thành viên của mọi đẳng cấp, dù cao hay thấp. Sự siêu thoát hoặc giác ngộ đó không thể là việc của nhóm. Nó mang tính chất hết sức cá nhân” (J. Nehru, Phát hiện Ấn Độ, tập 2, Phạm Thủy Ba, Lê Ngọc, Hoàng Túy, Nguyên Tâm dịch, Nxb Văn Học 1990, tr.51). Về thực chất hình tượng con người cô đơn trong văn học Ấn Độ truyền thống là sự nghệ thuật hóa một trạng thái tinh thần con người trong tương quan với vũ trụ. Đó là sản phẩm của một tâm hồn mơ mộng sùng đạo, một tư duy hướng nội siêu hình, xem thế giới nội tâm con người là thực tại duy nhất, và luôn khát khao hướng tới cái vĩnh hằng, tuyệt đối. Tuyệt nhiên, ở đó không có sự xuất hiện “mặc cảm lạc loài”, “sinh bất phùng thời” như trong văn học lãng mạn phương Tây thế kỷ XIX. Ngưòi Ấn chấp nhận cuộc sống cô đơn như một lẽ tự nhiên trong cuộc đời trần thế. Các nhân vật của Hồ Anh Thái, như: Tân (Trong sương hồng hiện ra), Raja, Nilam (Tiếng thở dài qua rừng kim tước), mục đồng (Thi nhân), Sabana (Đi khỏi thung lũng mới đến nhà), Siddhattha, Savitri (Đức Phật, nàng Savitri và tôi)… là những nhân vật như thế. Họ cô đơn theo những cách thức, nguyên cớ khác nhau, nhưng đều gặp nhau ở khát vọng và nỗ lực hóa giải nỗi cô đơn. Savitri (Đức Phật, nàng Savitri và tôi) cô đơn trong tình yêu từ tiền kiếp đến hiện tại. Ngay cả khi được chạm vào thân thể của “người yêu trọn đời trong tâm tưởng” (lần thứ nhất là lúc Đức Phật tọa thiền trong đêm mưa bão, lần thứ hai là khi Ngài nhập diệt) vẫn thăm thẳm một nỗi cô đơn. Nàng bất lực trong việc hóa giải nỗi cô đơn. Nó bám riết nàng như một nghiệp chướng. Và Savitri đã chấp nhận nó như một phần của đời sống trần thế. Khác với Savitri, Siddhattha mang nỗi cô đơn của một hiền nhân đi tìm chân lý. Chìm đắm trong trầm tư mặc tưởng, Siddhattha dường như chỉ sống trong một không gian riêng – không gian tâm tưởng, tâm linh. Ở đó, trí và hành, đạo và đời là một. Mọi yếu tố ngoại giới đều được ảo hóa. Sự tĩnh lặng, thuần khiết, có nét huyền bí, là đặc điểm cơ bản của không gian này. Những đối thoại trong đó chỉ là tưởng tượng. Về thực chất, đó là đối thoại vô ngôn. Theo Bergson, ở đó “chỉ có một sự trao đổi tư tưởng trực tiếp, một cuộc nói chuyện không lời giữa người đối thoại với chúng ta” (Bergson, Mộng, Tạp chí nghiên cứu, Viện Đại học Huế, số 3/ 1961, tr. 46). Chân lý đời sống được nhận thức không phải bằng hành động hay những tranh luận, mà bằng suy tư và thực nghiệm tâm linh. Trong sáng tác của Hồ Anh Thái, có thể nhận thấy kiểu không gian này ở hầu hết các tác phẩm, mà rõ nhất là Trong sương hồng hiện raNgười ẤnNgười đứng một chân… Đặc biệt là ở tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi. Những gì diễn ra trong thế giới ấy vừa là thực lại vừa không phải thực. Thực một cách tương đối. Đó là một hiện thực huyền ảo, sản phẩm của lối tư duy trừu tượng và một trí tưởng tượng phong phú.

Bên cạnh xu hướng làm nhòe mờ cốt truyện, ảo hóa không gian, Hồ Anh Thái còn sử dụng lối biểu tượng hóa làm phương thức biểu đạt. Ưu thế của lối biểu đạt này là có sự kết hợp giữa khả năng trực giác và trí tưởng tượng, tạo ra khoảng trống cho người tiếp nhận trong vai trò “đồng sáng tạo”. Ý nghĩa của biểu tượng phụ thuộc vào năng lực tư duy, khả năng sáng tạo, biên độ tưởng tượng của nghệ sĩ, và vốn văn hóa, sự trải nghiệm của người tiếp nhận. Mỗi biểu tượng đều có khả năng to lớn trong việc khái quát hiện thực đời sống. Bàn về biểu tượng nên thơ nguyên sơ trong thơ lãng mạn, G. Hegel cho rằng, “Biểu tượng nên thơ là một biểu tượng có hình tượng, bởi vì biểu tượng nên thơ không phải phơi bày trước mắt ta bản chất trừu tượng của cái hiện thực cụ thể”. Theo đó, bản chất của biểu tượng nên thơ là ở tính thẩm mỹ, gắn liền với tư tưởng, tình cảm, tài năng sáng tạo của nhà thơ. Vì lẽ đó, chỉ có những từ ngữ, hình ảnh nào chứa đựng trong nó những đặc tính của một hình tượng thi ca, nghĩa là nó “cho phép ta nhận ra khái niệm của sự vật” (G. Hegel) một cách cụ thể, sinh động, khơi gợi trí tưởng tượng, đánh thức cả một thế giới tinh thần ở người đọc mới được xem là “một biểu tượng nên thơ”. Trong tác phẩm Hồ Anh Thái, nhiều hình ảnh đã đạt đến chiều kích của “một biểu tượng nên thơ”. Rừng kim tước (Tiếng thở dài qua rừng kim tước), màn sương mù mờ đục (Đức Phật, nàng Savitri và tôi) là những hình ảnh như thế.

Ngay chương mở đầu của tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi, người đọc bắt gặp một màn sương mờ đục trên biên giới Ấn Độ – Nepal: “Cây cỏ đứng im phăng phắc. Không một tiếng thì thầm rì rào lao xao. Không một thoáng gió lay động. Một lớp phim mỏng trong suốt tráng lên cảnh vật, quang dầu cho nó, đóng hộp nó, gửi đúng cái khoảnh khắc ấy vào một bảo tàng vĩnh cửu (…) cảm giác tức thời là mình bị chọc mù mắt. Còn kinh sợ hơn cảm giác bị bóng tối bưng lấy mắt. Trắng đục. Xốp. Rất mỏng rất nhẹ. Không thể biết bao giờ nó tan. Không thể nhìn thấy bất cứ một cái gì ngay trước mặt mình” (tr.10, 11). Không ai nhìn thấu lớp sương mù ấy, ngoài Savitri. Thực sự là huyền bí đến phi lý, nếu ai đó cố tìm ý nghĩa thực ở khung cảnh thiên nhiên ấy. Đó không phải là “cái gì” mà là biểu tượng cho “cái gì”. Vượt lên ý nghĩa tả thực, màn sương ảo mờ ấy là một ký hiệu, biểu tượng cho cái “vô minh” của con người. Đó là “cái tăm tối mù lòa ngu dốt. Cả thế gian cùng lúc chìm trong vô minh. Rõ ràng ta không mê muội ta không ngủ mơ. Rõ ràng ta đang tỉnh táo. Nhưng cái tỉnh táo trong chốn mù lòa dốt nát cũng vô tác dụng. Tỉnh như thế này cũng không thấy được đường ra” (tr.12). Cùng với dục vọng (tham), sân hận (sân), vô minh (si) là nguyên nhân của mọi đau khổ của kiếp nhân sinh. Đó là chân lý được Siddhattha đốn ngộ sau sáu năm tọa thiền dưới gốc bồ đề ở Boddhgaya để trở thành Đấng giác ngộ (Buddha). Savitri đã ở bên Siddhattha từ tiền kiếp, là một phần của Siddhattha. Và bởi thế, nàng như một một bậc tiên giác thấu thị, thấu cảm được chân lý mà Siddhattha đã tuệ giác.

Trong số 12 truyện ngắn in trong tập Tiếng thở dài qua rừng kim tước, dường như tác phẩm nào cũng có hình ảnh siêu nhiên, biểu tượng cho tín ngưỡng, niềm tin và khát vọng giải thoát của người Ấn Độ. Đó là những thần linh hiện hình trên những phù điêu, ngự trị trong những ngôi đền uy nghi… sống trong tâm thức, tâm linh người Ấn. Trong đó, biểu tượng Kumari là một sáng tạo độc đáo.

Trong tâm thức người Ấn (Kumari (Nữ Thần Đồng Trinh) luôn có một vị trí đặc biệt. Đó là biểu tượng cho vẻ đẹp tinh khiết, thánh thiện, thiêng liêng của người phụ nữ. Nàng là quá khứ, nhưng cũng là thực tại; là đạo và cũng là đời; là hạnh phúc và cũng là bất hạnh. Là người am hiểu sâu sắc văn hóa Ấn Độ, Hồ Anh Thái đã không “linh hóa” Kumari. Ông đã nhìn Kumari như một biểu tượng của văn hóa Ấn Độ truyền thống. Ở đó có sự thống nhất của những đối nghịch. Dưới ngòi bút Hồ Anh Thái, Kumari không còn là một ý niệm trừu tượng, siêu hình, mà là một thực thể sống động: “Một thiếu nữ đẹp lộng lẫy. Da trắng. Mắt búp sen. Mũi cao. Môi dày dặn. Mọi nét đều như tạc” (Hồ Anh Thái, Tiếng thở dài qua rừng kim tước, Nxb Hội Nhà văn, 2003, tr.193). Và: “Trên người đầy đủ ba mươi hai quý tướng. Màu da, màu mắt, hàm răng, mái tóc, nốt ruồi, các huyệt. Đủ cả” (Hồ Anh Thái, Đức Phật, nàng Savitri và tôi, Nxb Đà Nẵng, 2007, tr.195). Biểu đạt bằng biểu tượng, dĩ nhiên không phải là độc quyền của văn hóa Ấn Độ. Tuy nhiên, biểu tượng trong văn hóa Ấn Độ luôn có tính đặc thù. Đó là tính trừu tượng, siêu hình. Các biểu tượng nghệ thuật trong tác phẩm Hồ Anh Thái ở những mức độ khác nhau đều mang đặc điểm này. Điều này lý giải vì sao, tác phẩm Hồ Anh Thái, mà tiêu biểu là Đức Phật, nàng Savitri và tôi có những “vùng mờ” khó nắm bắt trong tiếp nhận của người đọc. Và đó là một phần của sức mê hoặc mà Hồ Anh Thái đã tạo ra trong tác phẩm của mình.

Nói đến tư duy nghệ thuật là nói đến tư tưởng, tài năng, cá tính sáng tạo của nghệ sĩ. Nó được thể hiện trên nhiều phương diện trong thế giới nghệ thuật của nhà văn. Những phân tích, dẫn giải trên đây của chúng tôi về tác phẩm Hồ Anh Thái, vì vậy chỉ là những phác thảo trong nỗ lực lý giải những đóng góp của ông cho quá trình đổi mới văn học Việt Nam trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa.

(Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Đông Á: Những vấn nghiên cứu và giáo dục Ngữ vănNxb Văn hóa – Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh, 2019)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hồ Anh Thái. Tái bản 2003). Tiếng thở dài qua rừng kim tước. NXB Hội nhà văn. Hà Nội.
  2. Hồ Anh Thái. (2002). Cõi người rung chuông tận thế. NXB Đà Nẵng.
  3. Hồ Anh Thái. (2007). Đức Phật, nàng Savitri và tôi. Đà Nẵng: NXB Đà Nẵng.
  4. Hồ Anh Thái. (2008). Namaskar! Xin chào Ấn Độ, NXB Văn Nghệ, Tp Hồ Chí Minh.