Giới thiệu về Ngành Ngôn ngữ học
Ngôn ngữ học là chuyên ngành Cao học mà sau khi đào tạo, học viên không chỉ tham gia hoạt động giảng dạy, đào tạo mà còn có thể làm nghiên cứu viên về ngôn ngữ học tại các viện trong và ngoài nước cũng như làm chuyên viên công tác trong các lĩnh vực khác, gồm: biên tập, xuất bản tại các nhà xuất bản, các trung tâm dịch thuật, các doanh nghiệp; quản lí hành chính văn phòng; quản lí văn hóa; phê bình, sáng tác văn học, nghệ thuật; lưu trữ thư viện; hỗ trợ tư vấn trong công tác điều trị bệnh lí về năng lực ngôn ngữ; tham gia các dự án liên quan đến xử lí ngôn ngữ tự nhiên trong Công nghệ thông tin. Đặc biệt, đầu ra của cao học Ngôn ngữ học còn có thể tham gia làm trong các vị trí công tác liên quan đến ngành truyền thông, báo chí, ngành quan hệ công chúng, các công việc liên quan đến tiếp thị, tổ chức sự kiện, công tác đối ngoại, các trung tâm giảng dạy ngôn ngữ và tiếng Việt.
Theo kết quả dự báo xác định nhu cầu nhân lực có trình độ tại TP. Hồ Chí Minh từ Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh (qua việc khảo sát thường xuyên tình hình sử dụng lao động và nhu cầu tuyển dụng lao động tại doanh nghiệp, từ đó cập nhật cơ sở dữ liệu về nhu cầu nhân lực và phân tích diễn biến thông tin thị trường lao động), dự kiến định hướng phát triển thị trường lao động thành phố cho thấy nhóm Khoa học xã hội- Luật- Quản trị nhân sự và ngôn ngữ nằm trong 9 ngóm ngành nghề cần nhiều nhân lực giai đoạn 2025-2030.
Điều đó cho thấy đào tạo trình độ Cao học ngành Ngôn ngữ học là hợp xu hướng phát triển của thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận và định hướng phát triển chung của cả nước trong thời kì hội nhập.
Năm 2014, được sự chấp thuận của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Sài Gòn đã mở ngành đào tạo cao học Ngôn ngữ học. Đến nay, Ngành Ngôn ngữ học đã và đang đào tạo được 15 khóa với tổng cộng 169 học viên theo học, trong đó có 121 học viên được cấp bằng thạc sĩ Ngôn ngữ học với nhiều công trình công bố (ngoài luận văn) tại các Tạp chí Khoa học ngành và các Hội thảo khoa học quốc tế và quốc gia uy tín. Trong số các học viên đã tốt nghiệp Ngành Ngôn ngữ học, không ít học viên đã trưởng thành, được bố trí ở những vị trí công tác quan trọng trong các đơn vị giáo dục và các ngành nghề khác thuộc Thành phố hoặc các địa phương phụ cận. Điều này cho thấy được uy tín và chất lượng của CTĐT ngành Ngôn ngữ học trong những năm qua.
Chương trình đào tạo trình độ Thạc sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ học được phát triển theo tiêu chuẩn thích ứng cao phù hợp với nhu cầu của xã hội và các đơn vị công tác. Nội dung chương trình được thiết kế trên cơ sở có tham chiếu với chương trình đào tạo của các đơn vị có đào tạo thạc sĩ Ngôn ngữ học có uy tín trong và ngoài nước, gồm trường Đại học Stanford (Hoa Kì), SOAS University of London (Anh); Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn- Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Hệ thống đào tạo tín chỉ bao gồm đa dạng các kiến thức nhằm trang bị hệ thống kiến thức nâng cao về Ngôn ngữ học, hình thành cho người học phương pháp tiếp cận những vấn đề thực tiễn của ngôn ngữ một cách khoa học, có khả năng tự nghiên cứu và ứng dụng, xử lí những vấn đề liên quan đến ngôn ngữ học trong thực tiễn chuyên môn công tác. Hệ thống tài liệu giảng dạy được cập nhật hằng năm và các phương pháp giảng dạy tích cực được áp dụng để thúc đẩy người học phát triển năng lực học tập suốt đời.
Chương trình thạc sĩ Ngôn ngữ học được thiết kế dựa trên hệ thống tín chỉ với 60 tín chỉ, cung cấp cả bề rộng kiến thức trong một số lĩnh vực ngôn ngữ học, và kiến thức và kĩ năng chuyên ngành cần thiết để học viên có thể lập kế hoạch và tiến hành nghiên cứu trong các lĩnh vực chuyên môn hóa trong chương trình. Các học phần bắt buộc và học phần tự chọn được thiết kế theo một lộ trình hợp lí và khoa học. Chương trình cũng được thiết kế hướng tới thúc đẩy sự tương tác giữa học viên và giảng viên nhằm đạt được chất lượng đào tạo hiệu quả.