HỘI THẢO KHOA HỌC “NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH”

HỘI THẢO KHOA HỌC “NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH”

Sáng ngày 19/10/2024, Trường Đại học Sài Gòn tổ chức Hội thảo khoa học “Nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh”. Đây là hội thảo do Hội đồng Hiệu trưởng các Trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, Trường Đại học Sài Gòn chủ trì và Khoa SP KHXH cùng Phòng Quản lý Khoa học Trường Đại học Sài Gòn thực hiện hội thảo.

PGS.TS Lê Chi Lan – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn phát biểu khai mạc Hội thảo

Đến dự Hội thảo có NSND.ThS Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, PGS.TS Lê Chi Lan, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn, PGS.TS Lâm Nhân, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa,  cùng đại diện các trường đại học trên địa bàn Thành phố, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu; các nhà quản lý đến từ các sở, ban ngành liên quan như Sở Du lịch, Sở Khoa học Công nghệ, những nghệ nhân, nghệ sĩ, những người thực hành di sản văn hoá, các nhà khoa học, các học viên cao học, sinh viên của Khoa SP Khoa học Xã hội, Văn hóa du lịch Trường Đại học Sài Gòn.

PGS.TS Trần Thị Thanh Vân – Trưởng Khoa SP KHXH – Trường Đại học Sài Gòn trình bày báo cáo đề dẫn Hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận tập trung vào các vấn đề: Thực trạng các nguồn lực phát triển Công nghiệp văn hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay; Vai trò, vị trí của các trường đại học trong phát triển nguồn lực Công nghiệp văn hoá tại Thành phố Hồ Chí Minh; Khai thác, phát huy các nguồn lực phát triển Công nghiệp văn hoá tại Thành phố Hồ Chí Minh gắn với thời kỳ hội nhập và chuyển đổi số; Cơ hội và thách thức trong phát triển Công nghiệp văn hoá tại Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ mới; Đề xuất các mô hình, giải pháp phát triển Công nghiệp văn hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh gắn với các chiến lược phát triển của Thành phố.

 

Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo đã ghi nhận những ý kiến đóng góp quan trọng vào sự phát triển của công nghiệp văn hóa Thành phố qua các bài tham luận đến từ Sở văn hóa  và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Văn hóa; Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh;  Trường Đại học Nguyễn Tất Thành; Trường Đại học Sài Gòn; Trường Đại học Hoa Sen. Trong đó, NSND.ThS Nguyễn Thị Thanh Thúy – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, đã chia sẻ về định hướng, chính sách và nguồn lực cho phát triển công nghiệp âm nhạc và điện ảnh tại TPHCM. Theo đồng chí Nguyễn Thị Thanh Thúy, để phát triển công nghiệp văn hóa trở thành động lực nội sinh góp phần phát triển kinh tế – xã hội, làm cầu nối phát triển kinh tế vùng, quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh văn hóa, con người TPHCM ra khu vực và thế giới, trong giai đoạn 2021-2030, TPHCM cần tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ cơ bản, đồng thời, xây dựng một hệ sinh thái âm nhạc và điện ảnh phát triển để đáp ứng những nội dung: bảo vệ bản quyền một cách hiệu quả, xây dựng được chiến lược phát hành sản phẩm phù hợp, nâng cao hiệu quả doanh thu từ hoạt động biểu diễn và điện ảnh… Đặc biệt, NSND Thanh thúy nhấn mạnh cần xây dựng chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy trao đổi kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn, đào tạo nhân lực chuyên nghiệp cho các ngành công nghiệp âm nhạc và điện ảnh. Ban hành chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài nhằm nâng cao nguồn nhân lực trên lĩnh vực văn hóa.

 

NSND.ThS Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM báo cáo tham luận

 PGS.TS Lâm Nhân, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: khai thác nguồn lực văn hóa nghệ thuật để tạo thành sức mạnh nội sinh là một trong những chủ trương phát triển bền vững của TPHCM. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và công nghệ số, việc phát triển văn hóa nghệ thuật ở TPHCM có những cơ hội và thách thức. Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh – trung tâm kinh tế, là một trong hai trung tâm văn hóa và giáo dục quan trọng của quốc gia, với tính trẻ, năng động và linh hoạt đã tạo ra nhiều ưu thế trong việc phát triển nguồn lực xã hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

PGS.TS Lâm Nhân, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TPHCM phát biểu tại hội thảo

Trong bối cảnh đương đại với nhiều biến đổi, việc tiếp cận khởi nghiệp đổi mới sáng tạo góp phần khuyến khích sự hình thành và áp dụng các ý tưởng mới vào cuộc sống. Đây cũng là đề xuất giải pháp cho việc khuyến khích các nguồn lực phát triển văn hóa nghệ thuật ở TPHCM nói riêng, cả nước nói chung”.

Đạo diễn. TS Nguyễn Thanh Đạt, Phó Trưởng Khoa Kiến trúc cơ bản – Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh TPHCM phát biểu tham luận

PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm – Ủy viên BCH Hội nhạc sĩ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh phát biểu tham luận

TS. Trương Thị Hồng Minh – Trưởng Khoa du lịch – Nhà hàng – Khách sạn Trường Đại học Hoa Sen phát biểu tham luận

Trong một thập kỷ trở lại đây, ở Việt Nam, công nghiệp văn hóa được xem như một khâu đột phá trong phát triển văn hóa, phát triển con người Việt Nam, góp phần phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam. So với các nước, sự phát triển của công nghiệp văn hóa ở Việt Nam còn mới nhưng lại có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh là một vùng đất có bề dày và chiều sâu văn hoá. Trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, vùng đất này đã hội tụ, kết tinh, tiếp biến những giá trị văn hoá đặc sắc. Trong bối cảnh hội nhập, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo.

Chính vì vậy, với chủ đề Hội thảo quốc gia Nguồn lực phát triển Công nghiệp văn hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh” được tổ chức đã thu hút sự quan tâm của giới học giả, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, những nghệ nhân thực hành văn hoá, nghệ thuật,… Hội thảo đã thành công tốt đẹp với những ý kiến đóng góp có tính gợi mở cho sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh trên lĩnh vực Công nghiệp văn hóa trong thời gian tới.

Đại biểu và các Nhà khoa học chụp hình lưu niệm tại Hội thảo

MỘT SỐ HÌNH ẢNH KHÁC TRONG HỘI THẢO

NSUT.TS Nguyễn Thị Hải Phượng – Trưởng khoa Khoa Âm nhạc truyền thống, Nhạc viện TP.HCM biểu diễn tại Hội thảo

Liên ca cảnh: Dạ cổ hoài lang – Biểu diễn: Giảng viên, sinh viên Khoa SP KHXH – Trường Đại học Sài Gòn

Đại biểu tham dự Hội thảo

Sinh viên tham dự Hội thảo chụp hình lưu niệm

Phát biểu thảo luận tại Hội thảo