Ngành Ngữ văn sinh hoạt chuyên đề dạy học tích hợp

NGÀNH NGỮ VĂN – KHOA SƯ PHẠM KHOA HỌC XÃ HỘI TỔ CHỨC SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ “PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CHO HỌC SINH – HỌC QUA TRẢI NGHIỆM VÀ DẠY HỌC TÍCH HỢP”

Nhằm cung cấp kiến thức và gợi mở một số vấn đề liên quan đến phương pháp dạy học cho sinh viên trước khi về trường phổ thông thực tập sư phạm, sáng ngày 09 tháng 01 năm 2016, tại Hội trường B Trường Đại học Sài Gòn, ngành Ngữ văn – khoa Sư phạm Khoa học Xã hội đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Phát triển năng lực cho học sinh – học qua trải nghiệm và dạy học tích hợp”. Đây cũng là một trong những phương pháp dạy học theo định hướng của Bộ Giáo dục – Đào tạo. Tham dự buổi sinh hoạt chuyên đề có báo cáo viên: PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nam – giảng viên trường Đại học Cần Thơ, các giảng viên ngành Ngữ văn cùng sinh viên năm 1, 2 hệ cao đẳng và sinh viên năm 3, 4 hệ đại học.

Báo cáo của PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nam tập trung vào ba vấn đề chính: Năng lực, Học thông qua trải nghiệm  Dạy học tích hợp. Bằng kinh nghiệm lâu năm của một giảng viên nghiên cứu chuyên sâu về phương pháp dạy học, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nam không chỉ giúp sinh viên có hiểu biết chính xác, cụ thể về các vấn đề chính nói trên, mà còn cung cấp cho sinh viên những kĩ năng trong việc xây dựng một tiết dạy hiệu quả, tích cực nhằm phát huy tối đa năng lực truyền thụ của giáo viên và khả năng tiếp thu đầy sáng tạo của học sinh. Từ dạy học truyền thống với mục đích đơn thuần là nhồi nhét kiến thức, khái niệm, không gắn với thực tế, tách rời các kiến thức liên quan, báo cáo viên đã giới thiệu các kiểu tích hợp chủ yếu, trong đó có cách thức áp dụng mô hình tích hợp liên môn STEAM. STEAM giúp học sinh cách hấp thu kiến thức và tạo cho học sinh cơ hội phát triển tốt nhất năng lực sáng tạo bằng cách thêm các môn nghệ thuật vào các mô hình dạy học trước đây.

Buổi sinh hoạt chuyên đề đã thật sự hiệu quả khi sinh viên được làm việc nhóm, thảo luận và mỗi nhóm thiết kế thử nghiệm một chủ đề tích hợp nội môn/liên môn. Kết quả làm việc theo nhóm của sinh viên được trình bày trực tiếp và nhận được những nhận xét cụ thể của PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nam. Buổi sinh hoạt chuyên đề này đã giúp cho các sinh viên có thêm kiến thức và kinh nghiệm hữu ích, có thể áp dụng trong  thực tiễn thực tập sư phạm và thực tập tốt nghiệp sắp tới.

Ngô Hoàn Toàn, SV lớp DVA1131