Phạm trù chỉ màu sắc: từ lí thuyết của Kay và Berlin đến những nghiên cứu ứng dụng trong tiếng Việt

(Color Category: From the Theory of Kay and Berlin to Its Applications to Studying Vietnamese Language)

Trần Thị Phương Lý

Tóm tắt

Màu sắc là phạm trù cơ bản quen thuộc với con người. Đó là phạm trù hình thành sớm do tác động của thực tiễn. Bởi vậy, với các ý niệm cần có “nguyên liệu” để cấu trúc hóa làm cơ sở tri nhận thì phạm trù màu sắc là một trong những miền tích cực và hữu dụng nhất. Có thể nói, màu sắc ánh xạ tới hầu hết các miền ý niệm trong tâm trí con người, tạo thành hàng loạt các ẩn dụ cấu trúc. Trong lĩnh vực ngôn ngữ, từ ngữ chỉ màu sắc có vai trò quan trọng trong vốn từ vựng của mỗi ngôn ngữ. Chúng không chỉ mang tính ngữ nghĩa phong phú mà còn thể hiện được tư duy văn hóa của một dân tộc. Mặt khác, dựa vào lí thuyết tri nhận, người ta nhận thấy mỗi dân tộc với những bức tranh ý niệm khác nhau sẽ hình thành những bức tranh ngôn ngữ thế giới khác nhau. Do đó, trong ngôn ngữ học, các từ ngữ chỉ màu sắc là một trong những phạm vi được các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm. Bài viết này tập trung vào việc giới thiệu những nội dung cơ bản, quan trọng trong nghiên cứu về màu sắc của Kay và Berlin. Từ đó, bài viết đề xuất hướng ứng dụng của lí thuyết này trong việc nghiên cứu trên thực tiễn tiếng Việt với đối tượng cụ thể là phạm trù màu sắc trong tiếng Việt.

Từ khóa: phạm trù màu sắc, Kay và Berlin, điển mẫu, ý niệm, tiếng Việt…

Abstract

The color, a basic category that is familiar to people. It is a category formed early by the impact of reality. Therefore, for a concept which needs materials to be structured as the basis of cognition, the color category will be one of the most active and useful. It can be said that colors map to almost conceptual domains in the human mind, form a series of structural metaphors. In the linguistic domain, color words are important in the vocabulary of each language. They are not only rich in semantics but also reflect the cultural thinking of a people. On the other hand, on the basis of cognitive theories, one finds that different people with different conceptual images form different world language paintings. Therefore, in linguistics, color-only words are one of the areas of special interest of the researchers. This article mainly focuses on introducing the basic and important content of Kay and Belin’s researching about color category. Then, the article proposes certain applications of the theory to conducting research on the color category in Vietnamese language.

Keywords: color category, Kay and Berlin, prototype, concept, Vietnamese language….

1.Đặt vấn đề

Việc nghiên cứu quá trình phạm trù hóa thế giới đã đi một chặng đường dài từ Hi Lạp cổ đại đến ngày nay. Vấn đề phạm trù hóa theo điển mẫu và nguồn tạo hiệu quả điển mẫu đã thu hút sự chú ý rất lớn từ các nhà nghiên cứu thuộc các ngành khoa học nhận thức trên thế giới. Trong quá trình nghiên cứu của các nhà khoa học, một trong những phạm trù rất đáng được quan tâm đó chính là màu sắc. Theo J. Taylor (1995), chúng ta có rất nhiều lí do hấp dẫn để bắt đầu một nghiên cứu về phạm trù với đối tượng là các thuật ngữ chỉ màu sắc. Trên nhiều bình diện, thuật ngữ chỉ màu sắc cung cấp nền tảng lí thuyết thực nghiệm lí tưởng cho các lí thuyết về sự phân chia phạm trù. Theo đó, các nhà ngôn ngữ học, nhân chủng học cũng như các nhà khoa học trong một thời gian dài đã đi đến sự khẳng định rằng các phạm trù không có nền tảng khách quan nào trong thực tế, mà chúng là sản phẩm của việc quy ước và được mã hóa trong ngôn ngữ một cách võ đoán[1].

Trong công trình kinh điển Ngôn ngữ, Bloomfield đã viết: “Các nhà Vật lý học nhìn nhận quang phổ ánh sáng như là một hệ thống biến đổi liên tục của sóng ánh sáng có độ dài khác nhau, phạm vi từ 40 đến 72 phần trăm nghìn của millimeter, nhưng các ngôn ngữ phân biệt những chỗ khác nhau của thang độ này rất võ đoán và không có giới hạn chính xác, trong nghĩa của các từ chỉ tên màu sắc như ‘violet, blue, green, yellow, orange, red’, và tên màu sắc của các ngôn ngữ khác không đi theo cùng sự biến đổi.” (Bloomfield 1933:140). Sau Bloomfield, Gleason trong Giới thiệu về Ngôn ngữ học miêu tả cũng cho rằng: “Hãy xem cầu vồng hoặc quang phổ thông từ một lăng kính. Có một sự biến đổi liên tục của màu sắc từ màu này sang hết màu khác. Đó là, ở bất kì điểm nào cũng chỉ có một sự khác biệt nhỏ về màu sắc so với phần kề bên. Nhưng việc mô tả của người Mĩ sẽ liệt kê các màu thành: ‘red, orange, yellow, green, blue, purple’, hoặc một loại màu nào đó. Sự thay đổi liên tục của màu sắc trong tự nhiên được thể hiện trong ngôn ngữ bởi loạt các phạm trù riêng lẻ… Không có gì cố hữu cả trong quang phổ lẫn trong sự tri nhận của con người về nó mà buộc phải phân chia theo cách này. Phương pháp rõ ràng về sự phân chia là một phần của cấu trúc trong tiếng Anh.” (Gleason 1955:4)

Tuy nhiên, có thật sự Quá trình phân chia phạm trù riêng lẻ trong phạm trù màu sắc cũng như sự mã hóa chúng vào trong ngôn ngữ là mang tính võ đoán hay không? Và liệu ngôn ngữ có thêm sắc thái cho nhận thức về màu sắc của chúng ta hay không? Hay nó ảnh hưởng theo cách khác? luôn là vấn đề rất đáng quan tâm.

Không phải hiển nhiên mà chúng ta có một số lượng lớn các công trình nghiên cứu về lí thuyết Ngôn ngữ học đều có một phần nội dung, thậm chí cả một mục hoặc một chương dành cho những nghiên cứu về màu sắc. Theo ước lượng thì mắt người có thể nhận biết không ít hơn 7.5 triệu sự khác nhau về màu sắc có thể phân biệt được. Phạm vi vô cùng lớn của những màu sắc nhìn thấy được cấu thành nên một không gian ba chiều, được xác định bởi giới hạn của màu (bước sóng của ánh sáng phản xạ), độ sáng (lượng ánh sáng phản xạ), và độ bão hòa (khả năng làm nhạt màu của màu trắng). Vì từng thông số tạo ra một tập hợp biến đổi hài hòa nên không có một ranh giới vật lí nào cho việc phân chia các phạm trù màu riêng lẻ. Tuy nhiên, con người vẫn luôn cố gắng nhận thức về các phạm trù riêng lẻ. Nó phụ thuộc vào sự trải nghiệm và tiếp thu kinh nghiệm, đặc biệt là về ngôn ngữ. Thực tế vốn từ vựng với số lượng các từ chỉ màu sắc và phạm vi biểu thị của các từ đó giữa các ngôn ngữ luôn có sự khác nhau đáng kể. Do vậy, màu sắc với sự phong phú của nó và với hệ thống các từ chỉ màu sắc đa dạng trong mỗi ngôn ngữ quả thật luôn là lĩnh vực xứng đáng nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu.

Trong bài viết này, dựa trên cơ sở các thành tựu nghiên cứu của Berlin và Kay về các thuật ngữ chỉ màu sắc trong 98 ngôn ngữ khác nhau, chúng tôi sẽ ứng dụng để nghiên cứu về phạm trù màu sắc trong tiếng Việt với mong muốn làm rõ sự tri nhận đối với màu sắc, sự thể hiện chúng vào trong bảng từ vựng cũng như vai trò của màu sắc trong quá trình nhận thức các đối tượng khác trong thế giới khách quan của người Việt.

2.Khái lược về màu sắc và từ chỉ màu sắc

Trong lịch sử phát triển, con người đã biết sử dụng ánh sáng như là một công cụ hữu hiệu để phục vụ cho các nhu cầu của bản thân trong việc săn bắt, trang trí, trồng trọt,… Theo trang web Wikipedia, màu sắc là cảm giác mang đến cho hệ thần kinh của người từ sự kết hợp tín hiệu của ba loại tế bào cảm thụ màu ở mắt người. Cảm giác này cũng bị ảnh hưởng “dài hạn” từ trí nhớ  lưu lại quá trình học hỏi từ khi lớn lên trong xã hội, và “ngắn hạn” bởi các hiệu ứng ánh sáng của phông nền. Màu sắc của một tia ánh sáng là cảm giác màu mà tia sáng đó gây nên ở mắt người. Màu sắc của các vật thể là màu sắc của ánh sáng xuất phát từ chúng. Trong lĩnh vực Vật lí, màu sắc là “con đẻ” của ánh sáng hay nói cách khác, màu sắc bắt nguồn từ ánh sáng. Màu sắc mà chúng ta phân biệt từ ánh sáng là những cảm giác có từ sự phản chiếu của ánh sáng trên những vật thể màu sắc ánh sáng. Ngoài ra, màu của vật thể mà ta cảm nhận được là sự cộng hưởng của màu ánh sáng với màu của bản thân vật thể đó, màu của các sự vật lân cận tác động vào, màu của bầu khí quyển đang bao bọc chung quanh đó nữa.
Là một trong những phạm trù quan trọng trong nhận thức của con người, màu sắc khi đi vào trong ngôn ngữ đã được mã hóa thành một hệ thống từ vựng phong phú, đa dạng, là sản phẩm của văn hóa và ngôn ngữ với những nét đặc trưng riêng phản ánh tư duy, văn hóa của mỗi dân tộc. Bảng từ chỉ màu trong mỗi ngôn ngữ cũng không trùng khít với nhau do sự chia cắt thực tế khách quan của mỗi cộng đồng bản ngữ. Thí dụ theo Lyons (1968: 56), tiếng Nga không có từ chỉ màu xanh dương, màu nâu “brown” trong tiếng Anh không có màu tương đương trong tiếng Pháp. Phạm vi của các màu được thể hiện bởi màu ‘brown’ được mô tả trong tiếng Pháp là ‘brun, marron’, thậm chí là ‘jaune’. Hay nhóm ngôn ngữ Bantu nhìn chung là ít thuật ngữ chỉ màu sắc hơn các ngôn ngữ khác, như tiếng Tsonga chia dải màu đen-xám-trắng về bản chất là giống như tiếng Anh nhưng chỉ ba phạm trù được nhận thấy trong dải màu sắc (‘tshwuka, xitshopana, rihlaza’), trái ngược với tiếng Anh có tới ít nhất sáu phạm trù (‘purple, red, orange, yellow, green, blue’). Hay như tiếng Latin cũng có sự khác biệt và thiếu hụt so với tiếng Anh, giữa các màu đen, trắng về độ sáng cao và thấp. Chính sự khác biệt này chính là vấn đề thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ trải qua nhiều thập kỉ đến nay.

3.Berlin và Kay- Những thành tựu trong nghiên cứu về phạm trù màu sắc và từ chỉ màu sắc

3.1. Từ cách tiếp cận trong Chủ nghĩa cấu trúc

Các công trình nghiên cứu thuộc về thời kì Cấu trúc luận khi nghiên cứu về từ chỉ màu sắc tựu trung lại đi đến những kết luận như sau:

(a) Tất cả thuật ngữ chỉ màu sắc trong một hệ thống có ý nghĩa ngang nhau.

(b) Tất cả các đối tượng của một thuật ngữ chỉ màu sắc có ý nghĩa như nhau. Vì lẽ đó, quan điểm cấu trúc cho phép khả năng xuất hiện các màu sắc giáp ranh. Bloomfield cho rằng ngôn ngữ phân biệt các phần khác nhau của khoảng không gian màu sắc ‘mà không có các giới hạn rõ ràng’. Sẽ có các miền giữa các phạm trù màu kề bên, nơi mà sự phân chia phạm trù rạch ròi là rất khó.

(c) Đối tượng nghiên cứu chính thống duy nhất của Ngôn ngữ học là hệ thống ngôn ngữ, chứ không phải là những thuật ngữ riêng lẻ trong một hệ thống. Do vậy, không thể so sánh thỏa đáng các đơn vị từ vựng riêng lẻ trong các ngôn ngữ khác nhau. Hơn nữa, nó phải so sánh với các hệ thống tổng thể, và các giá trị của các đơn vị trong các hệ thống ấy.

3.2. Đến Berlin và Kay- Một cách tiếp cận thay thế: Những màu sắc trung tâm- sự khơi mào của lí thuyết điển mẫu trong Ngôn ngữ học tri nhận

Được biết đến như một sự phản bác lại đối với cách tiếp cận của Chủ nghĩa cấu trúc đối với thuật ngữ chỉ màu sắc, công trình Những thuật ngữ chỉ màu sắc cơ bản (Basic Color Terms) ra đời năm 1969 của hai nhà Ngôn ngữ học- Nhân chủng học Berlin và Kay trên nền tảng khảo sát các thuật ngữ chỉ màu trong 98 ngôn ngữ khác nhau đã tạo nên một sự thay đổi ngoạn mục trong đường hướng tiếp cận đối với đối tượng tri nhận này cũng như đặt nền móng cho sự thành công của lí thuyết điển mẫu trong Ngôn ngữ học tri nhận về sau.

Trong công trình của mình, Berlin và Kay qua thực nghiệm đã đi đến kết luận: “ Kết quả của chúng tôi … tạo ra sự nghi ngờ đối với cách nghĩ phổ biến lâu nay rằng từng ngôn ngữ phân chia tập hợp biến đổi màu sắc trong không gian ba chiều một cách võ đoán và độc lập trong từng ngôn ngữ. Vấn đề ở đây là, mặc dù các ngôn ngữ khác nhau mã hóa trong từ vựng của chúng, số lượng khác nhau về các phạm trù chỉ màu sắc cơ bản, một hệ thống tổng quan về bảy phạm trù chính xác chỉ màu sắc cơ bản xuất hiện từ bảy hoặc ít hơn các thuật ngữ chỉ màu sắc cơ bản của bất kì ngôn ngữ nào, luôn luôn được dự đoán trước”. (Berlin và Kay 1969:2)

Berlin và Kay đã tiến hành một cuộc điều tra khá quy mô dựa trên việc khảo sát các từ chỉ màu sắc của 98 ngôn ngữ thông qua việc phỏng vấn những người bản ngữ của các ngôn ngữ đó. Việc điều tra bước đầu thu được những kết quả sau đây:

– Tất cả các ngôn ngữ đều có từ 2 đến 11 từ chỉ màu cơ bản.

– Nếu một ngôn ngữ có 11 từ chỉ màu cơ bản, thì các phạm trù màu được mã hoá là: trắngđenđỏ, xanh cây, vàng, xanh lam, nâu, cam, hồng, tím và xám.

– Nếu một ngôn ngữ có ít hơn 11 từ chỉ màu cơ bản, thì sẽ có những giới hạn nghiêm ngặt mà dựa vào đó các phạm trù màu được mã hoá.

Tiếp theo các tác giả tiếp tục một cuộc thực nghiệm mới trên bảng màu Munsell và khám phá ra rằng phạm trù hóa các màu trong các ngôn ngữ khác nhau không phải hoàn toàn ngẫu nhiên mà tuân theo những giới hạn có tính phổ quát.

Bảng 1.1. Bảng màu Munsell trong thí nghiệm của Kay-Berlin

Trong vô vàn màu sắc có trong thiên nhiên lẫn những màu mà con người tạo ra, chúng ta cần có một quy tắc để phân loại đâu là màu sắc cơ bản, đâu là màu sắc phái sinh. Berlin và Kay đã đưa ra những yếu tố để có thể xác định được từ chỉ màu sắc cơ bản:

a) Không được xếp dưới các thuật ngữ khác. Crimson và scarlet không phải là những màu sắc cơ bản trong tiếng Anh, vì chúng là những dạng khác nhau của redOrange là màu cơ bản, vì nó không thấp hơn bất kì thuật thuật ngữ màu sắc nào khác.

(b) Đơn giản về hình thái. Những thuật ngữ như bluishbluish-green và chocolate-coloured, thậm chí golden là không được tính đến.

(c) Không bị giới hạn về phạm vi sử dụng. Blond, chỉ được miêu tả tóc, không được xem là thuật ngữ chỉ màu sắc.

(d) Được sử dụng thường xuyên. Những từ hiếm thấy như puce, và những từ chuyên ngành như xanthic, thì không được tính đến.

Trong nghiên cứu, Berlin và Kay đưa ra hai sự khẳng định vô cùng thú vị, liên quan đén cái được gọi là màu sắc ‘trung tâm’. Nếu những người ở những môi trường ngôn ngữ khác nhau được cho xem một bảng màu hay một dãy các màu và được yêu cầu phân biệt ranh giới giữa các thuật ngữ màu sắc bằng ngôn ngữ tri nhận của họ, ta sẽ thấy có sự thay đổi giữa các ngôn ngữ vô cùng lớn (cũng như sự thay đổi đáng kể giữa những người sử dụng cùng ngôn ngữ, thậm chí ở cùng một người thì có thể diễn đạt khác nhau ở những dịp khác nhau). Vì vậy, hai màu sắc có thể được phân biệt như là một bởi người dùng của một ngôn ngữ nhưng sẽ không giống đối với người sử dụng ngôn ngữ khác. Trái lại, nếu những người được hỏi để tìm những mẫu màu cơ bản tiêu biểu ở ngôn ngữ của họ, liên ngôn ngữ (và trong ngôn ngữ), sự thay đổi không còn nữa. Mặc dù phạm vi màu sắc được đặt tên là red (hoặc từ tương đương ở ngôn ngữ khác) có thể khác nhau từ người này sang người khác, nhưng có một điểm chung đáng chú ý là tạo ra một màu đỏ hoàn chỉnh. Nhìn vào vào phạm vi thể hiện của các thuật ngữ màu sắc làm nổi bật đặc trưng ngôn ngữ của thuật ngữ chỉ màu sắc, từ đó ta có thể suy ra, những thuật ngữ của màu sắc nổi bật, tiêu biểu là điểm chung của các ngôn ngữ.

Nghiên cứu phạm vi trung tâm của thuật ngữ chỉ màu sắc, Berlin và Kay đưa ra sự khẳng định gây nhiều tranh cãi. Họ ghi nhận ở 98 ngôn ngữ xuất hiện trong khảo sát, lựa ra những thuật ngữ màu sắc cơ bản trong bảng khảo sát bảy màu sắc trung tâm. Hơn nữa, các ngôn ngữ không phải được lựa chọn ngẫu nhiên trong bảng khảo sát. Nếu một ngôn ngữ có hai thuật ngữ màu sắc (gần như không có ngôn ngữ nào có ít hơn hai), chúng sẽ được gọi là đen trung tâm, trắng trung tâm. Nếu có thuật ngữ thứ ba, đó sẽ luôn là màu đỏ. Thuật ngữ thứ tư là vàng hoặc xanh lá, trong khi cái thứ năm là cặp màu vàng và xanh lá. Thuật ngữ thứ sáu sẽ là xanh dương, thứ bảy là nâu. Bốn màu sắc còn lại (xám, cam, tím, hồng) không thể hiện bất kì điều nổi bật nào. Cái nhìn tổng quan về chúng có thể được thể hiện dưới dạng tôn ti sau:

CÁC MÀU SẮC CƠ BẢN
black red yellow blue brown grey

orange

white green purple

pink

Bảng 3.2. Sơ đồ hệ thống từ chỉ màu sắc cơ bản của Kay và Berlin

Sơ đồ được giải thích như sau: sự xuất hiện trong một ngôn ngữ của một phạm trù phía bên phải của mũi tên là kết quả của sự xuất hiện của tất cả những phạm trù nằm bên phải của nó; cách hiểu ngược lại thì không thể. Nếu một ngôn ngữ có một cách đặt tên cho thuật ngữ màu sắc, như là màu xanh dương trung tâm, chúng ta có thể đoán rằng ngôn ngữ đó sẽ có năm màu bên trái của màu xanh; tuy nhiên, chúng ta không đoán được nó có những màu sắc bên phải hay không.

Những khẳng định từ kinh nghiệm của Berlin và Kay (1965) về tôn ti trật tự của các màu là rất vững chắc. Đầu tiên, khẳng định này cho rằng tất cả ngôn ngữ trên thế giới được chọn lựa từ một tập hợp phổ biến của bảy màu sắc trung tâm cần được giảm bớt.Tiếng Nga, với các từ chỉ màu xanh dương đậm và nhạt, có tới mười hai thuật ngữ cơ bản. Có thể thấy rằng, một số người sử dụng tiếng Anh có quá nhiều thuật ngữ cơ bản bổ sung (mauve, turquoise, v.v…).

Dù rằng tôn ti của hệ thống từ chỉ màu sắc của hầu hết ngôn ngữ được Berlin và Kay tổng hợp và hệ thống hóa thành một trật tự nhất định, thế nhưng các tác giả cũng lưu rằng một số ngôn ngữ không hoàn toàn tuân theo quy luật trên, như tiếng Việt, tiếng Canton, tiếng Hopi, tiếng Sama, tiếng Papago… Cụ thể, ở các ngôn ngữ này, người ta nhận thấy có thể thiếu một từ chỉ màu cơ bản hoặc cũng có thể nhận thấy một từ chỉ màu cơ bản không đúng theo thứ bậc của nó trong tôn ty của Berlin và Kay.

Nhìn chung, công trình nghiên cứu của Berlin và Kay đã dẫn tới một số đặc điểm quan trọng về từ chỉ màu sắc: Thứ nhất, Berlin và Kay chứng minh rằng phạm trù màu sắc là có trật tự rõ ràng, có những thuật ngữ gốc tương đồng, phổ biến giữa các ngôn ngữ trên thế giới; Thứ hai, Berlin và Kay cho rằng tính phổ quá của màu sắc đi theo một trật tự tôn ti nhất định gồm 7 bậc với số lượng từ chỉ màu cơ bản ít nhất là 2, và nhiều nhất là 11. Đưa ra các phạm trù trung tâm của màu sắc, Berlin và Kay đã đi đến những kết luận làm thay đổi các giả định của chủ nghĩa cấu trúc, đó là:

(a) Các phạm trù màu sắc có một trung tâm và một ngoại vi.

(b) Vì sự quan trọng của phạm vi trung tâm, các từ chỉ màu không tổ chức là một hệ thống. Phạm vi trung tâm của một từ chỉ màu, ví dụ như đỏ, là độc lập với vàng, cam, tím, v.v… là quá trình từ vựng hóa trong ngôn ngữ. Việc bổ sung các thuật ngữ mới, như là màu cam, có thể khiến tổng thể dãy màu của màu đỏ gặp phải, nhưng trung tâm của phạm trù vẫn duy trì không đổi.

Tóm lại, thuật ngữ màu sắc thể hiện ít hơn rất nhiều tính võ đoán so với các nhà cấu trúc học quan niệm. Màu sắc, không phù hợp để chứng minh sự võ đoán của phạm trù ngôn ngữ học, là thay thế ‘một mẫu xuất sắc của tác động dưới các nhân tố tri nhận trong cấu tạo và phạm vi của các phạm trù ngôn ngữ học’ (Heider 1971:447).

Đây được xem là tiền đề, cơ sở quan trọng hỗ trợ cho việc nghiên cứu về từ ngữ chỉ màu sắc trong ngôn ngữ sau này với các công trình của các nhà nghiên cứu nổi tiếng như E. Rosch (1970), Miler và Johnson- Laird (1976), Wattenwyl và Zollinger (1979)…

4.Ứng dụng những thành tựu trong nghiên cứu của Berlin và Kay vào việc nghiên cứu phạm trù màu sắc trong tiếng Việt

4.1. Ứng dụng lí thuyết của Berlin và Kay, qua kết quả khảo sát trên các nguồn ngữ liệu tiếng Việt[2], dựa trên các tiêu chí phân loại về cấu tạo và ngữ nghĩa, chúng tôi thống kê được tiếng Việt có một lớp từ chỉ màu cơ bản bao gồm 9 từ sau: đen, trắngđỏ, vàng, xanh, nâu, hồng, xám[3]Đây là lớp từ thứ nhất. Các từ này có cùng chung đặc điểm sau:

  • Là các từ được phổ biến rộng rãi;
  • Đơn giản về hình thái học: cả 9 từ đều là đơn âm tiết;
  • Về mặt ý nghĩa: 9 từ này đều có phạm vi biểu vật rộng lớn, được sử dụng cho một số lượng đa dạng các sự vật, hiện tượng;
  • Đặc điểm quan trọng nhất: 9 từ này có khả năng tạo ra hàng loạt từ chỉ màu phái sinh với phạm vi biểu vật hẹp hơn (mà Belin – Kay coi là các từ thứ cấp).

Lớp từ thứ hai trong hệ thống từ chỉ màu tiếng Việt là những từ phái sinh từ lớp từ chỉ màu cơ bản. Lớp từ này có số lượng rất lớn và chúng mang những đặc điểm sau:

  • Về mặt cấu trúc: chúng là những từ đa âm tiết. Các yếu tố trong từ kết hợp với nhau theo quan hệ chính – phụ, trong đó yếu tố chính luôn luôn là từ chỉ màu thuộc lớp từ cơ bản (từ đơn âm). Yếu tố này có thể đứng trước hoặc đứng sau trong từ ghép, nhưng trong phần lớn trường hợp nó đứng trước. Yếu tố phụ cho nó thường là một tính từ, có thể rõ nghĩa (về mặt từ vựng) hoặc chưa rõ nghĩa. Ví dụ: Vàng/ rựcĐỏ /chon chótTrắng/ muôn muốt
  • Về ý nghĩa: phạm vi biểu vật của các từ này hẹp hơn so với các từ chỉ màu cơ bản, do đó mà chúng luôn luôn bị bao gồm – tức là nằm trong phạm vi của các từ chỉ màu cơ bản.

Ví dụ: đỏ lòm lòm nằm trong phạm vi của từ đỏ.

Lớp từ thứ ba trong hệ thống từ chỉ màu tiếng Việt là các từ chỉ màu cụ thể. Lớp từ này còn được gọi tên là nhóm từ chỉ màu phụ. Màu phụ trong tiếng Việt hết sức cụ thể, chúng được mượn trực tiếp từ tên gọi của đối tượng, sự vật trong thế giới khách quan, từ các màu phụ có thể quy chúng thành các nhóm màu, trong đó có một màu cơ bản đứng đầu nhóm. Ví dụ, các màu vôi, kem, sữa, thiếc, bạc, ngà, bạch kim, nguyệt bạch… là nhóm màu phụ của trắnghoàng yến, mật ongđồng thau… là màu phụ của vàng v.v…

4.2. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã tiến hành nghiên cứu sự vận động ý niệm của các từ chỉ màu cơ bản trong tiếng Việt nhằm tìm hểu sự mở rộng vùng tri nhận của của các từ chỉ màu cơ bản qua cơ chế của các ánh xạ ẩn dụ, hoán dụ. Một ý niệm tĩnh tại sẽ ít có giá trị tri nhận hơn, các hình nền của nó cũng hạn chế hơn, và giá trị giao tiếp của nó sẽ thấp hơn. Các từ chỉ màu cơ bản là những trường hợp có khả năng sản sinh cao, do đó quá trình vận động ý niệm của chúng sẽ đa dạng, tầng bậc ý nghĩa cũng phong phú hơn. Những ý niệm nổi bật, mang tính quy ước cao sẽ được khái quát và đặt trong mối liên hệ với ý niệm nguyên gốc để thấy được những chuyển biến đã hình thành từ thực tiễn giao tiếp. Những ý niệm đã được quy ước sẽ được cấu trúc hóa trong từ vựng, tạo nên cấu trúc ngữ nghĩa của từ. Nói cách khác, cấu trúc nghĩa của một từ chính là sự phản ánh các ý niệm quy ước của ý niệm mà từ biểu thị và sẽ được hệ thống trong các mô hình tỏa tia.

Mô hình tỏa tia của ý niệm (từ) là sự khái quát chuyển biến ý nghĩa của một đơn vị ngôn ngữ, dựa trên sự phân biệt của các thành tố và mối liên hệ ý nghĩa của điển mẫu, ý nghĩa của các nhánh lớn và các nét nghĩa phái sinh. Các thành tố trong mỗi ý niệm sẽ được liệt kê lần lượt theo đặc tính xa dần nguyên gốc, nghĩa nguyên gốc là nghĩa được trình bày đầu tiên. Trong mô hình, mỗi điểm nút là một chùm nghĩa hoặc một nghĩa.

Tiến hành khảo sát cách định nghĩa/giải thích nghĩa của Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê, 2005) về các từ chỉ màu cơ bản, chúng tôi nhận thấy có một sự tương đồng trong cách thể hiện.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra, các từ chỉ màu cơ bản trong tiếng Việt được định nghĩa theo lối trực quan tức là chỉ ra sự vật điển hình mà từ chỉ màu đó chỉ xuất. Cách định nghĩa này thường bắt đầu bằng cấu trúc: có màu/giống như màu của + sự vật. Sự vật này mang đặc tính tiêu biểu của tính chất màu đang xét. Dựa vào cách định nghĩa trên của Từ điển tiếng Việt [5a] và các ngữ liệu trong nguồn khảo sát, chúng tôi xác định nghĩa gốc của các từ chỉ màu cơ bản là trước hết là thuộc tính bên ngoài của thực thể (sự vật) được tri giác bằng cơ quan thị giác. Từ nghĩa nguyên gốc này có sự kiến tạo các nét nghĩa khác nhau cách tri nhận, liên tưởng, ghi nhớ của người sử dụng ngôn ngữ.

Ví dụ, với từ chỉ màu cơ bản đen, chúng tôi thiết lập được mô hình tỏa tia như sau:

H.4.1. Mô hình tỏa tia của từ chỉ màu cơ bản đen trong tiếng Việt

Trong đó:

“Đen” có nghĩa là “con người”: Ngoài việc miêu tả đặc điểm về màu sắc của các bộ phận, đen còn được dùng để chỉ các biểu hiện liên quan đến con người:

a) Chỉ vẻ bên ngoài: Qua quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy, từ chỉ màu đen được dùng để khắc họa vẻ đẹp hoàn hảo của người phụ nữ xưa. Không chỉ vậy, các từ chỉ màu đen khi kết hợp với các bộ phận của con người (mắt, tóc, da,…) gợi lên một dáng vẻ rất riêng, vẻ đẹp mặn mà, chắc khỏe, đầy sức sống. Ví dụ: Lấy chồng cho đáng tấm chồng/ Bõ công trang điểm, má hồng răng đen.(Ca dao)

b)Phẩm chất: chỉ tính cách xấu xa. Đen dùng để chỉ tính cách của những người luôn hành động không rõ ràng, có cái gì đó xấu xa, hiểm độc, giấu giếm bên trong. Ví dụ: ý nghĩ đen tối, lòng dạ đen tối, tim đen…

c)Thay đổi nhận thức, tình cảm: Lửa tâm càng dập càng nồng/ Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa.; Trong tay đã sẵn đồng tiền/Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì! (Nguyễn Du, Truyện Kiều)

d)Tầng lớp, giai cấp: Dân ngu khu đen: thuộc hạng người lao động lam lũ, vất vả, hèn kém, dốt nát; Dân đen: chỉ dân thường, không có địa vị, bị coi là hạng thấp hèn trong xã hội cũ.

“Đen” có nghĩa là “không”

a)Không còn sự sống: Màu đen tang tóc.

b)Không may mắn: Số đen, vận đen, đen đủi; Cơn đen vận túng (Thành ngữ)

c)Không công khai, không minh bạch: Chợ đen: nơi mua bán lén lút những mặt hàng khan hiếm, theo giá cả tùy tiện; Quỹ đen: quỹ dành riêng cho các khoản chi tiêu bí mật, thường không hợp pháp; Sổ đen: sổ được giữ kín để ghi chép những người đang bị tình nghi, theo dõi.

d)Không lối thoát, bế tắc: Thời kì đen tối. (Đen tối: có nhiều khó khăn, cực nhục, đến mức như không còn hi vọng.)

“Đen” có nghĩa là “phát triển”: Tôi cười, gác máy rồi xách xe chạy lại chỗ Khoa. Những tấm ảnh đen trắng treo trên dây còn đọng nước, giọt rất tròn và trĩu. (Nguyễn Ngọc Tư, Cái nhìn khắc khoải).

“Đen” có nghĩa là “xấu”: Xã hội đen: tập hợp những kẻ chuyên làm những việc phi pháp như trộm cướp, buôn lậu, đâm thuê chém mướn, v.v., hoạt động có tổ chức theo băng đảng, phe phái và luật lệ riêng. (dân xã hội đen, triệt phá một băng xã hội đen); Cái xấu: Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng; Nội dung xấu, ảnh hưởng xấu đến nhận thức: Phim đen….

Có thể thấy, sự vận động ý niệm của các từ chỉ màu cơ bản trong tiếng Việt ví dụ trắng và đen thường theo hướng xa dần nghĩa nguyên mẫu, tức là các nghĩa phái sinh được hình thành theo cấp độ xa dần nguyên mẫu, các nghĩa nảy sinh sau ít liên quan với nghĩa nảy sinh trước. Với các từ chỉ màu cơ bản trong tiếng Việt, quá trình chuyển di ý niệm thường đi từ nghĩa nguyên mẫu (miêu tả đặc điểm bên ngoài về màu sắc của các thực thể trong thế giới khách quan) để chuyển di sang phạm trù con người (với các thuộc tính như vẻ đẹp, sức khỏe, trạng thái tâm lí,..) rồi đến các phạm trù khác trong hiện thực như phạm trù không gian, thời gian, tự nhiên và xã hội, các khái niệm trừu tượng thuộc đời sống xã hội… trong tiếng Việt. Dễ nhận ra, sự phóng chiếu từ ý niệm màu sắc sang các ý niệm thuộc các phạm trù khác được hình thành dựa trên hai mô hình cơ bản, đó là: ẩn dụ ý niệm và hoán dụ ý niệm.

Theo mô hình hoán dụ ý niệm

Vạn vật trên thế giới đều có màu sắc, tri nhận về màu sắc là thành phần quan trọng của kinh nghiệm con người khi phạm trù hóa thế giới. Vì vậy, khi con người xây dựng tri nhận về tình cảm cũng hay lưu ý đến các phạm trù màu sắc. Với phạm trù con người, ta thấy ấn tượng về hình thức luôn là ấn tượng đầu tiên xuất hiện khi tri giác về bất cứ đối tượng nào trong thực tại. Nói đến màu sắc là nói đến thuộc tính bên ngoài của thế giới sự vật hiện tượng mà mắt người nhìn thấy được. Đặc trưng này được lựa chọn để miêu tả cho những đặc điểm ngoại hình con người, các bộ phận cơ thể người. Bên cạnh đó, bản thân sự chuyển di từ phạm trù màu sắc sang phạm trù nhận thức về ngoại hình con người ở khía cạnh biểu hiện bên ngoài còn thể hiện tính chất bên trong. Cụ thể là ở phương diện sức khỏe, tình cảm, giai cấp/tầng lớp. Điều này là cơ sở tạo nên những biểu thức hoán dụ ý niệm giáng cấp trong quá trình tri nhận của người Việt.

Nhìn màu sắc, chúng ta có thể đoán biết thể trạng, sức khỏe và phạm trù màu sắc với 9 điển mẫu và hệ thống các từ ngữ phái sinh với các sắc độ là công cụ hỗ trợ đắc lực để thực hiện điều đó. Điều này làm nảy sinh biểu thức hoán dụ thứ cấp: MÀU SẮC THAY CHO SỨC KHỎE. Có thể xem đây là sự mở rộng phạm trù khi miền nguồn là màu sắc tái lập một hoán dụ ý niệm để tri nhận về phạm trù con người. Ta dễ dàng đón nhận các biểu thức ngôn ngữ liên quan đến các từ chỉ màu dùng để chỉ tình trạng sức khỏe trong giao tiếp, ví dụ:

  • trắng hồng: sự cảm nhận về vẻ mặt tươi tỉnh, thần thái khỏe mạnh.
  • trắng mét: sự cảm nhận về sắc mặt nhợt nhạt, yếu đuối, mong manh, thiếu sức sống.
  • xanh xao: có nước da xanh nhợt, vẻ ốm yếu.
  • vàng vọt: có màu vàng nhợt nhạt, vẻ yếu ớt.
  • hồng hào: (nước da) có màu đỏ hồng, đẹp, biểu thị trạng thái khỏe mạnh.

Không chỉ vậy, màu sắc là một phần tích hợp trong đời sống con người và có những ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của cuộc sống về phương diện văn hóa và tâm-sinh lý. Có thể dễ dàng nhận thấy là tình cảm và các từ ngữ chỉ màu sắc thường có sự liên hệ với nhau trong tất cả các ngôn ngữ, do vậy một trong những cơ sở tri nhận “nghiệm thân” trong cách biểu đạt tình cảm, cảm xúc của con người cơ bản liên quan đến màu sắc được tạo ra từ sự biến đổi các trạng thái tâm-sinh lí của cơ thể. Khi chúng ta trải nghiệm các miền tình cảm, cùng với sự thay đổi lên xuống của nhiệt độ bên trong cơ thể cũng có sự thay đổi tương ứng trên nét mặt và thể hiện những tình cảm khác nhau. Chẳng hạn như, khi chúng ta vui vẻ thì nét mặt thường tươi tắn, da mặt hồng hào; khi tức giận, lượng máu dưới da tăng lên, mặt mũi đỏ ngầu lên; khi tâm trạng buồn đau thường gây ảnh hưởng đến sự lưu thông của mạch máu, nên nét mặt tái xanh; và khi sợ hãi, máu dồn về trái tim, nên nét mặt thường mất đi vẻ tươi tắn mà trở nên tái xám. Với những kinh nghiệm như trên, nên nhiều ngôn ngữ bao gồm tiếng Việt đều rất chú ý khai thác các ý niệm màu sắc nhất là màu sắc tỏ ra trên nét mặt con người để ẩn dụ các miền tình cảm.

Trong tiếng Việt, qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy tình cảm tức giận của con người thì thường có miền nguồn biểu trưng liên quan đến màu tím, đỏ, như các thành ngữ bầm gan tím ruột, giận tím mặt, đỏ mặt tía tai, v.v.; tình cảm sợ sệt, lo lắng thường có miền nguồn biểu trưng từ ý niệm màu xanh, xám, chẳng hạn như các thành ngữ tái xanh tái tử, tái mặt tái xám, mặt xanh như chàm đỏ, v.v. Những cách diễn đạt trên đều dựa trên cơ chế nhìn biểu hiện bên ngoài để nói đến thuộc tính bên trong hay nói khác đi lấy dấu hiệu để gọi tên sự vật, hiện tượng. Theo đó, ta xác lập hoán dụ MÀU SẮC THAY CHO CẢM XÚC.

Bên cạnh đó, như ta đã biết, xã hội Việt Nam mang đặc trưng nông nghiệp, tính cố kết đã ràng buộc các cá nhân trong chằng chịt các mối quan hệ từ gia đình tới làng xã. Vị trí của con người được đánh giá chủ yếu thông qua tương quan giữa cá nhân và cá nhân với xã hội. Do đây là một ý niệm trừu tượng nên thường được thể hiện thông qua các ẩn dụ ý niệm. Với sự năng động của phạm trù màu sắc, quan hệ xã hội, địa vị, thân phận của con người cũng được cấu trúc lại trên cơ sở miền nguồn này. Con người xã hội chịu sự phân hoá giai cấp, tầng lớp. Điều này tương ứng với việc lựa chọn màu sắc trang phục. Từ xưa, thời phong kiến, việc lựa chọn màu sắc trang phục đã ngầm mang tính chất thông báo về vị trí xã hội của tầng lớp người. Từ đây, chúng ta đã tri nhận màu sắc như là một tín hiệu để thông báo về giai tầng xã hội. Có thể xác lập sự tri nhận này qua mô hình hoán dụ MÀU SẮC THAY CHO TẦNG LỚP/ GIAI CẤP. Có thể kể đến các biểu thức ngôn ngữ như: Áo xanh (chỉ người người công nhân), áo nâu sồng (chỉ người tu hành), áo trắng học trò (chỉ học sinh), thiên thần áo trắng (chỉ người hoạt động trong lĩnh vực y tế),… .

Và trong thực tế giao tiếp tiếng Việt, chúng ta vẫn sử dụng cách nói đỏ đầu, con đỏ để chỉ đối tượng là trẻ nhỏ. Ta lí giải điều này như sau: Trẻ sơ sinh, dân thường, không có địa vị dưới chế độ cũ, được coi là yếu ớt cần phải được bảo vệ. Đặc trưng biểu trưng này phụ thuộc vào tri nhận của con người về thực tế dựa trên cơ sở tính nghiệm thân: khi mới sinh, đứa trẻ thường đỏ hỏn, theo thời gian đứa trẻ lớn lên sắc tố đỏ sẽ giảm dần. Chính vì thế, đỏ trong các trường hợp trên chỉ trẻ con.

Theo mô hình ẩn dụ ý niệm

Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy mọi tâm tư, tình cảm, trạng thái tâm lí, xao động về tâm hồn hay những suy nghĩ, triết lí, tư tưởng, … vốn vô hình, trừu tượng đã được nhìn nhận như màu sắc, có thể tri giác, cảm nhận sinh động cụ thể. Đây là cơ sở hình thành ẩn dụ ý niệm TINH THẦN LÀ MÀU SẮC. Ẩn dụ này cấu trúc hóa tất cả các trạng thái của con người thành màu sắc, kéo theo là các hoạt động, cảm giác tinh thần. Ẩn dụ này gồm các ẩn dụ bậc dưới như:

a)TÌNH CẢM/ CẢM XÚC LÀ MÀU SẮC

Những cung bậc của tình cảm, hạnh phúc, đau khổ, hờn ghen hay oán giận lần lượt được hiện lên qua thế giới màu sắc. Qua sự nhận thức của con người, các sắc thái tình cảm tinh vi, tế nhị của con người đều được hiện thực hóa bằng các từ ngữ chỉ màu sắc. Những cung bậc vui, buồn, yêu, thương, thù, hận, chờ đợi, tức giận, nhung nhớ,… đều được màu sắc hóa. Như đã trình bày ở trên, ta nhận thấy sự thể hiện tình cảm, cảm xúc của con người trong một số trường hợp gắn liền với đặc điểm bên ngoài và được thể hiện theo cơ chế hoán dụ. Bên cạnh đó, bản thân các điển mẫu và các từ ngữ phái sinh của nó còn được sử dụng để gửi gắm tình cảm mà không cần thông qua phán đoán từ đặc điểm bên ngoài. Khi ấy, ta được ẩn dụ ý niệm TÌNH CẢM/CẢM XÚC LÀ MÀU SẮC.

b)   ĐỜI SỐNG TÂM LINH LÀ MÀU SẮC

Trường hợp này có thể kể đến từ chỉ màu cơ bản vàng (dùng để chỉ thế giới của người chết). Đây là hình ảnh quen thuộc hay được dân gian nhắc đến như cách nói tránh, cách nói văn chương bóng bẩy về cái chết. Hình ảnh này bắt nguồn từ việc người Trung Quốc quan niệm chốn âm phủ có chin dòng suối màu vàng. Đây là một trong những kết quả của quá trình tiếp xúc về ngôn ngữ, văn hóa: Gọi là gặp gỡ giữa đường/ Họa là người dưới suối vàng biết cho. (Nguyễn Du, Truyện Kiều)

Ngoài ra, ta còn tìm thấy cách nói khuôn xanh, cao xanh, trời xanh… để chỉ lực lượng tối cao chi phối cuộc sống con người theo quan điểm thơ ngây thời xưa. Trong giao tiếp của con người Việt Nam hiện nay, vẫn không khó để bắt gặp các cách diễn đạt này. Khi người ta vẫn “Trời xanh ngó xuống mà coi”“Nỗi lòng này trời xanh có thấu” vào tình huống éo le, tuyệt vọng.

c) KHÁT VỌNG/ ƯỚC MƠ LÀ MÀU SẮC

Khi nói đến ước mơ, khát vọng; những gam màu tươi tắn được tri nhận trước tiên. Chúng ta vẫn thường sử dụng vàng – xanh – hồng – đỏ trong diễn đạt để thể hiện cái nhìn tích cực, lạc quan ở tương lai. Ví dụ như: Giấc mộng vàng, tuổi hồng.

d) PHẨM CHẤT CON NGƯỜI LÀ MÀU SẮC

Phẩm chất hiểu một cách thông thường là tư cách của con người trong xã hội thường chịu đánh giá của cộng đồng. Các yếu tố phẩm chất như đạo đức, lối sống, tính cách… đều khá chung chung. Việc phân định một vài phẩm chất là tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào nhiều hoàn cảnh và con người. Một trong những công cụ tư duy giúp người Việt tri nhận về phẩm chất con người là phạm trù màu sắc.

Ta dễ dàng nhận thấy các biểu thức ngôn ngữ dùng từ chỉ màu để miêu tả đặc điểm phẩm chất của con người. Ví dụ như: ý nghĩ đen tối, lòng dạ đen tối, tâm hồn trắng trong…

e) SỰ MAY RỦI LÀ MÀU SẮC LÀ MÀU SẮC

Ẩn dụ này xảy ra với trường hợp của đen và đỏ. Các biểu thức ngôn ngữ như vận đỏ; số đỏ; đỏ tình, đen bạc;… được sử dụng để chỉ quan niệm của con người về sự may mắn, rủi ro trong cuộc sống.

Nhận xét: Như vậy, khi chuyển di từ phạm trù màu sắc sang phạm trù con người, người Việt chúng ta đã tri nhận những thuộc tính nổi bật về đặc điểm ngoại hình bên ngoài trước tiên để phán đoán, nhận biết. Sự chuyển di này được xác lập dựa trên tương tác ẩn dụ – hoán dụ qua mô hình ánh xạ sau:

Miền nguồn

MÀU SẮC

ẨN DỤ Miền đích CON NGƯỜI
đen, trắng, đỏ, xanh, vàng, nâu, hồng, tím, xám

 

Hoán dụ

Sức khỏe

Cảm xúc

Tầng lớp/giai cấp

Lứa tuổi

Miền đích

ĐẶC ĐIỂM BÊN NGOÀI

Miền nguồn

TINH THẦN

H.4.2. Mô hình ánh xạ từ phạm trù màu sắc sang phạm trù con người

5. Kết luận

Từ những công trình nghiên cứu về màu sắc, các nhà ngôn ngữ học trên thế giới đã đi đến nhận định rằng quá trình nhận biết màu sắc bắt đầu từ phần não bên phải và truyền sang bên trái thông qua sự tiến triển của ngôn ngữ đồng thời những nhận thức màu sắc của chúng ta được liên kết chặt chẽ với ngôn ngữ của chúng ta. Từ những ấn tượng thị giác của màu sắc, bộ não chúng ta đã lưu giữ những kích thích đó và dán nhãn cho chúng – những nhãn dán này chính là hệ thống từ ngữ chỉ màu sắc. Theo đó, từ ngữ chỉ màu sắc là một trong những lớp từ thuộc vốn từ vựng cơ bản của một ngôn ngữ.

Thêm vào đó, quá trình “dán nhãn” cho các sự vật hiện tượng vừa mang tính phổ quát chung vừa mang đặc thù riêng của từng ngôn ngữ; mỗi một ngôn ngữ sẽ tự thân thiết lập cho mình hệ thống từ ngữ chỉ màu sắc riêng mang đậm dấu ấn tư duy dân tộc. Vì tầm quan trọng đó mà màu sắc được coi là một trong những dạng thức văn hoá đầu tiên được ghi lại và kí hiệu hoá, thông qua ngôn ngữ. Mỗi tộc người có một hệ thống thuật ngữ chỉ màu riêng cho mình, rất phong phú và độc đáo.

Vận dụng những thành tựu trong các nghiên cứu trên cơ sở tư tưởng của Berlin và Kay vào tìm hiểu phạm trù màu sắc trong tiếng Việt đã giúp chúng ta tìm ra được các màu cơ bản trong dải màu, hiểu được sự vận động ý niệm của các điển mẫu qua mô hình tỏa tia ngữ nghĩa của các từ chỉ màu sắc. Từ đó, kết quả nghiên cứu cũng cho thầy được sự ánh xạ của phạm trù màu sắc đến các phạm trù khác là dựa trên cơ chế ẩn dụ và hoán dụ. Trong đó, sự ánh xạ này còn kéo theo sự mở rộng phạm trù ẩn – hoán. Chính sự chuyển di này đã làm cho ngôn ngữ luôn sống động, tiềm tàng những ý nghĩa mới phụ thuộc vào vốn sống, kinh nghiệm, khả năng biến hóa, sử dụng ngôn ngữ của mỗi người, mỗi dân tộc. Việc xác lập bức tranh ngôn ngữ về thế giới với phạm trù màu sắc trong tiếng Việt cũng như so sánh đối chiếu với tiếng Anh để thấy được nét tương đồng và dị biệt, qua đó làm nổi bật đặc trưng văn hóa dân tộc sẽ là một hướng mở thú vị cho những công trình nghiên cứu xa hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bloomfield, L. (1933), Language, London: George Allan and Uniwin.
  2. Berlin, B. and Kay,P. (1969), Basic Color Terms: Their Universality and Evolution, Berkeley: University of California Press.
  3. Trần Văn Cơ (2007), Ngôn ngữ học tri nhận (Ghi chép và suy nghĩ), NXB Khoa học xã hội.
  4. Trần Văn Cơ (2009), Khảo luận – Ẩn dụ tri nhận, NXB Khoa học xã hội.
  5. Gleason, H.A. (1965), Linguistics and English Grammer, New York: Halt, Rinechart and Winston.
  6. Nguyễn Khánh Hà
  7. Nguyễn Khánh Hà (2010), Từ ngữ phái sinh chỉ màu trong tiếng Việt, Ngôn ngữ và Đời sống, số 9/2010.
  8. Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Hoàng An (dịch) (2016), Dẫn luận ngôn ngữ học tri nhận (David Lee), Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội,.
  9. Trịnh Thị Minh Hương (2009), Tính biểu trưng của từ ngữ chỉ màu sắc trong tiếng Việt (dựa trên ngữ liệu là những văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ văn chương), luận văn thạc sĩ, Đại học Sư phạm TPHCM.
  10. Hoàng Phê (chủ biên) (2005), Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng.
  11. Lý Toàn Thắng (2005), Ngôn ngữ học tri nhận: Từ lí thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt, NXB Khoa học xã hội, 2005.
  12. John, R.Taylor (1995), Linguistic Categorization- Prototype in Linguistic Theory, Clarendon Press, Oxford.
  13. Saussure, de F. (1964), Cours de linguistique générale, ed. C. Bally and A. Shechehaye, Paris: Payot, 1st edn, 1916.

Nguồn ngữ liệu khảo sát:

1a. Kiều Thu Hoạch (2008), Thơ Nôm Hồ Xuân Hương, Nhà xuất bản Văn học.

3a. Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật (2000), Kho tàng ca dao người Việt, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin.

4a. Nguyễn Lực, Lương Văn Đan (1993), Thành ngữ tiếng Việt, NXB Thanh niên Hà Nội.

5a. Hoàng Phê (chủ biên) (2005), Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng.

6a. Nguyễn Tuân (2011), Vang bóng một thời, NXB Văn học.

7a. Nguyễn Ngọc Tư (2005), Cánh đồng bất tận – những truyện hay và mới nhất, Nhà xuất bản Trẻ.


[1] Tính võ đoán là khái niệm cơ bản của Ngôn ngữ học thế kỉ 21, được đưa ra bởi F.de Saussure trong công trình Cours de linguistique générale (1916) với việc cho rằng nguyên tắc đầu tiên của Ngôn ngữ học miêu tả đó là “tín hiệu ngôn ngữ là võ đoán” (le signe linguistique est arbitraire) (Saussure 1964: 100). Tín hiệu ngôn ngữ, theo Saussure, là sự kết hợp của một hình thái/dấu hiệu với một ý nghĩa/đặc trưng. Sự kết hợp của một dạng thức cụ thể với một ý nghĩa cụ thể là võ đoán.

[2] Việc khảo sát các biểu thức ngôn ngữ liên quan đến màu sắc được tiến hành trên phạm vi nguồn cứ liệu chính là Từ điển tiếng ViệtKho tàng ca dao người Việt, Thành ngữ tiếng Việt, một số tác phẩm văn học Việt Nam gồm Truyện Kiều (Nguyễn Du), thơ Hồ Xuân Hương, Hàn Mặc Tử, văn xuôi của Nguyễn Tuân cùng lời ăn tiếng nói hằng ngày thông qua quan sát, ghi chép. Chúng tôi lựa chọn phạm vi nguồn cứ liệu như vậy mục đích là để có các căn cứ toàn diện, chắc chắn cho việc nghiên cứu về phạm trù màu sắc trong tiếng Việt.

[3] Qua kiểm chứng, đối chiếu, kết quả thống kê này thống nhất với kết quả trong công trình của Nguyễn Khánh Hà (2010).