Thơ nữ đồng bằng sông Cửu Long sau 1975, những đặc điểm nổi bật

                                                                                                 Hà Minh Châu*

Trên thi đàn của vùng đất miền Tây Nam Bộ – vùng đồng bằng sông Cửu Long trù phú, các nhà thơ nam đã sáng tác và trở nên nổi tiếng từ thế kỉ XIX như Phan Văn Trị, Nguyễn Thông, Nguyễn Đình Chiểu,… Riêng phái nữ, phải đến đầu thế kỉ XX, mới xuất hiện và Sương Nguyệt Anh – nữ chủ bút báo đầu tiên của nước nhà – được xem là nữ sĩ tiên phong. Sau Sương Nguyệt Anh, Mộng Tuyết làm thơ và trở thành gương mặt nữ hiếm hoi của Thơ mới Nam Bộ. Từ đó, các nhà thơ nữ vùng sông nước lần lượt góp mặt vào làng thơ, dẫu với số lượng ít ỏi, với hoạt động khá lặng lẽ nhưng là những dấu nối tạo sự liên tục cho hành trình thơ nữ. Nếu như trước 1975, các nhà thơ nam như Chim Trắng, Viễn Phương, Lê Chí, Nguyễn Bá,… được xem là những nhà thơ tên tuổi, có nhiều sáng tác làm nên sức sống của thơ đồng bằng sông Cửu Long thì thơ nữ chỉ thật sự phát triển và là một hiện tượng khi sau năm 1975, giới nữ tham gia sáng tác nhiều và có những đóng góp nhất định cho sự phát triển của văn học Nam Bộ nói riêng.

Trong số những nhà thơ nữ miền Tây sau 1975, ngoài Lê Giang, Song Hảo là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến, còn lại là các nhà thơ thuộc lớp sau ngày đất nước thống nhất. Có người trở thành nhà thơ chuyên nghiệp, chỉ sáng tác thơ (Đinh Thị Thu Vân, Thanh Nguyên, Thu Nguyệt, Ngọc Phượng, Lê Thanh My, Nguyễn Thị Việt Hà, Huỳnh Thuý Kiều), có người vừa là nhà văn vừa là nhà thơ (Trúc Linh Lan, Nguyễn Lập Em), có người là nhà văn làm thơ (Trầm Hương, Nguyễn Ngọc Tư) và có rất nhiều nhà thơ không chuyên…

Sự phát triển của thơ nữ đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gắn với diện mạo và khuynh hướng phát triển của thơ Việt Nam sau 1975. Tuy nhiên, vốn là “tiếng vọng của con người xứ sở” nên thơ họ chất chứa cả hồn đất hoà với hồn người, thể hiện những đặc điểm rất riêng của thơ nữ vùng đất phương Nam. Thơ họ phản ánh cuộc sống, văn hoá miệt vườn, đồng thời cũng thể hiện ý thức, tâm hồn, cảm xúc của các nữ thi sĩ, đặc biệt là ở sự chất vấn – tự vấn và tự thú trong tình yêu. Như người phụ nữ vùng sông nước Cửu Long, thơ của các nhà thơ nữ chân phương, hồn hậu, có lúc e ấp, dịu dàng nhưng cũng có khi mạnh mẽ, mãnh liệt. Ngôn ngữ thơ họ đậm chất Nam Bộ, hình ảnh liên tưởng gắn với những gì quen thuộc của vùng đất sông nước miền Tây,… 

Một góc miền Tây[1] – cảm thức quê hương

Sinh ra và trưởng thành ở vùng đồng bằng miền Tây Nam Bộ, các nhà thơ nữ gắn bó tha thiết với quê hương miệt vườn, miệt ruộng. Sông nước, ruộng vườn của vùng đất châu thổ sông Tiền, sông Hậu cùng những đặc trưng xứ sở về con người quê, lối sống quê, văn hóa quê in đậm trong thơ họ và đã trở thành không gian nghệ thuật riêng.

Cảm thức quê hương là cảm thức được chắt chiu từ trong ca dao, tạo thành mạch nguồn trong văn học qua bao thời kì. Tuy nhiên, ở mỗi vùng miền, cảm thức ấy khi được cụ thể hóa đã có nhiều khác biệt, huống chi lại là cảm thức của phái nữ so với phái nam. Có bao điều để nói về một vùng đất từ thuở cha ông mở cõi: môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, lịch sử khai khẩn, bản sắc vùng miền,… Các nhà thơ nữ miền Tây không phải là chứng nhân của lịch sử khai hoang hay chứng nhân trọn vẹn về cuộc chiến tranh chống Mỹ. Do vậy, họ không hình dung về thiên nhiên hoang sơ, không mơ màng về một vùng đất xưa cũ trong kí ức hoặc cảm khái về một trang lịch sử khai phá của ông cha thuở mở đường hay lịch sử đánh giặc giữ nước như một số nhà thơ nam (Phù Sa Lộc – Đêm phương Nam, Phan Trường Giang – Thơ viết ở Cạnh Đền, Hà Văn Thùy – Đêm tứ giác Long Xuyên). Cảm nhận của họ về vùng đất miền Tây Nam Bộ vì thế, không phải là một quá trình nhận thức về lịch sử, quê hương, mà là những gì đã thấy, đã sống, đã gắn bó và đã thành niềm thương, nỗi nhớ. Với bậc tiền nhân, họ dành lời tri ân. Không phải vì các nhà thơ nữ không biết quá khứ. Họ ý thức rõ: “Mỗi tấc đất quê hương là mỗi giọt máu cội nguồn”[2], ý thức rõ mảnh đất họ đang sống có in “dấu ngựa cha ông vọng từ quá khứ”[3], in “dấu chân người xưa một thời phá đá, dựng chồi khẩn hoang”[4] để luôn nhớ “người cầm phảng đầu tiên khai phá”[5], biết ơn vùng đất chín rồng đã nuôi họ “lớn khôn lên”. Đã có những năm tháng “băng qua chiến tranh”, tim “bỏng rát” trước bao cảnh đạn bom, chạy loạn, có nhà thơ nhận thức rõ: “Đất nước mang nỗi đau hoài thai hòa bình”[6]. Vì thế, họ nhận ra ý nghĩa lớn lao của ngày độc lập, thống nhất đất nước. Bài thơ Nếu không có ngày Ba mươi tháng Tư của Đinh Thị Thu Vân là niềm cảm xúc trào dâng tỏ lòng biết ơn đối với sự kiện lịch sử trọng đại này: Nếu không có ngày Ba mươi tháng Tư/ Em giờ vẫn như thuở nào, sợ tay mình lấm đất/ Sẽ không biết tự khuyên mình những lời khuyên nghiêm khắc/ Không một lần dám sống hy sinh.

Thơ của các nhà thơ nữ miền Tây là tiếng nói thành thật của tâm hồn họ. Thế nên, họ “đã viết về cuộc sống mến yêu bằng trái tim mình”[7]. Và do vậy, những gì họ viết về xứ sở trong cảm xúc và trong tâm thức chỉ là một phần nào đó của vùng đồng bằng miền Tây Nam Bộ, gọi là một góc riêng – góc nhỏ đồng bằng. Ở thơ nữ miền Tây hiển hiện một tình yêu thuần phác, dung dị, đầy cảm xúc với những gì đã hóa gần gũi, thân thuộc trong cuộc sống của họ, được gọi là tình quê. Tình quê ấy, trước hết, thể hiện ở đặc điểm vùng miền qua những tên đất, tên làng, tên sông không lẫn vào vùng miền nào khác. Đó là sông Hậu, sông Tiền, là Vĩnh Long, Cái Vồn, Cổ Chiên, là An Giang, Cấm Sơn, Thất Sơn, là Bạc Liêu, Cà Mau, U Minh, Cần Thơ, Bến Tre, Giồng Trôm… – những địa danh của vùng đất chín rồng. Đặc biệt, Huỳnh Thúy Kiều có nhiều bài thơ mà ngay tựa đề đã là tiếng nói đầu tiên về tình yêu máu thịt đối với xứ sở ruộng đồng Nam Bộ: Hương phù saHơi thở tôi mang mùi bùn đấtMắc nợ đồng bằngHồn quêBến quêKý ức làng, Nói với quê hươngTừ cánh đồng, tôi đã khóc tiếng khóc đầu tiên,…

Tình quê ấy được gợi nên bằng dòng sông chảy cuộn phù sa, là “phà nối nhịp cầu duyên, là bến sông “nơi con nước lớn ròng”, là nhịp cầu tre “lắt lẻo khó đi”, là con mương nhỏ “có chú lìm kìm cắt khúc ca dao”[8], là những sản vật như các loại cá đồng, các loại hoa đồng nội, là những món ăn đặc trưng (cá trê nấu với dây tơ hồngnồi canh rau tập tàng/ vị cua nêm hương ngọt[9]), là “dòng sữa từ nấm đất thủy chung đã truyền vào mỗi hạt[10] – hạt thóc, hạt đậu đầy vị ngọt… để thấy mình “mắc nợ”, để có đi cuối đất cùng trời cũng “không quên trở về nơi khởi đầu cuộc sống”[11]Nơi con nước lớn nước ròng/ Xuồng ba lá lướt tràn bông lục bình/ Trái cà na lúng liếng xanh/ Chùm me nước đỏ trên cành quắt queo (Tản mạn – Thu Nguyệt). Để dù có xa quê bao lâu đi nữa thì những món ăn dân dã do mẹ nấu như “món canh chua nấu bần”, “món cá sặc kho khô”, “món cá linh kho chấm bông điên điển” và nhiều món ăn khác vẫn luôn là một nỗi thèm thuồng: Cá trê nấu với dây tơ hồng/ Ăn để về khóc đầm lưng áo mẹ/ Gót chân son nợ một đời dâu bể/ Giữa đồng bằng chợt thèm…/ Trái giác nấu canh chua… (Mắc nợ đồng bằng – Huỳnh Thúy Kiều).

Ở miền Tây, người dân quê đã quá quen với mùa nước nổi, mùa lũ tràn về khiến đất và người chịu bao hệ lụy nhưng chính lũ cũng đắp bồi phù sa cho đất mỡ màng. Các nhà thơ nam và các nhà thơ nữ vùng châu thổ Nam Bộ có điểm tương đồng là cùng chọn đề tài về mùa nước nổi. Thế nhưng, góc nhìn và cảm xúc của hai phái không trùng nhau. Nhiều nhà thơ nam nhìn thấy ở đó là những cơn lũ dữ dội, tàn phá ghê gớm: Hội hè những cơn lũ – sự cuốn xiết giết người (Trần Hữu Dũng – Cơn lũ), Nước tràn đồng. Ầm ào thác độngTột đỉnh chơi vơi – linh láng nước (Trần Thế Vinh – Nhật kí mùa lũ đồng bằng). Với các nhà thơ nữ, tiêu biểu là Nguyễn Lập Em, Song Hảo, Trúc Linh Lan, Huỳnh Thúy Kiều, Mai Nhã Tú, trước tiên, đó là mùa sông đầy với những sản vật mà phải đợi đến mùa nước nổi, người dân mới được thưởng thức: Đã đến mùa điên điển trổ hoa/ Mùa cá linh tràn đồng/ Mùa củ co, bông súng/ Hạt giống giấu trong bùn/ Đợi đến mùa thành hương vị quê hương (Nơi ấy sông đầy – Nguyễn Lập Em).

Như các nhà thơ nam, các nhà thơ nữ cũng chứng kiến và mô tả lại cảnh những con nước tràn đồng, những lúc nước lên cao nhất, nhưng họ miêu tả từ góc nhìn cụ thể về sự vật: cảnh “đê vỡ từng vạt”, “lúa thao thức cựa mình”, “cam, quýt… rụng nục vàng”. Đồng thời, họ còn bộc lộ nỗi xót xa, đau lòng trước những hoang tàn, mất mùa sau bao cơn lũ. Chùm thơ ba bài về mùa nước nổi của Trúc Linh Lan (Những triền đê vỡCá lội sông dàiKhuya châu thổ) là những hồi ức về tuổi thơ chạy lũ với nỗi buồn và nỗi lo thắt ruột trước cảnh “làng nổi bập bềnh trong khói sương” hay “cột đáy rung rung quạnh hiu đứng ngó”, cám cảnh lúa ngập bị trôi, cá chết: Nước tràn về cuồn cuộn cuồn cuộn…/ Cuốn phăng đi nhà cửa rộng vườn…/ Thương hạt gạo không kịp mùa sinh nở/ Con cá chết chìm khóc tiếng bi thương (Những triền đê vỡ – Trúc Linh Lan).

Tình quê trong thơ nữ đồng bằng còn là tình cảm trân quý đối với người dân quê gắn với cuộc sống sinh hoạt của họ. Thực tế, hình ảnh người dân quê với những đặc điểm nói chung như người đàn ông cần cù, lam lũ; người phụ nữ đảm đang, chịu thương chịu khó; người thiếu nữ quê dịu dàng, chăm chỉ… hầu như không thấy xuất hiện. Trong thơ nữ là hình ảnh người dân nơi ruộng đồng bộc lộ tính cách cụ thể trong mỗi hoàn cảnh cụ thể. Đó là những con người thích ứng với cuộc sống cày cấy, trồng trọt, đánh bắt, tuy nghèo nhưng nặng nghĩa tình, sẵn sàng sẻ chia cho nhau khi đói kém: Làng xưa – tôi nhớ, rất nghèo/ Kẻ ra sông nước, người neo ruộng vườn/ Dân tình tuy khổ mà thương/ Chia nhau nhúm gạo, chén tương mất mùa (Thoáng nhớ làng – Thanh Nguyên). Đó là những con người thường xuyên gánh chịu sự tàn phá của bao cơn lũ nhưng lũ về rồi lũ đi, lũ “không làm núng người dân vùng sông nước” bởi ở họ, tinh thần đoàn kết, lòng kiên trì, tự tin và tình yêu cuộc sống đã trở thành tính cách thường trực: Tay đan chặn lũ trong mưa/ Mặc đói lạnh thi gan cùng thần nước (Những triền đê vỡ – Trúc Linh Lan).

Trong thơ nữ miền Tây có hình ảnh của người thân như ông, bà, mẹ, cha trong số những con người lao động bình thường vùng châu thổ. Tình yêu thương người thân thường gắn với nỗi xót xa, kính phục trước sự dãi dầu mưa nắng và lòng biết ơn vô hạn. Nó vốn là tình cảm trong đời sống gia đình của mỗi người dân Việt nhưng ở đây, nó là đặc điểm riêng khi hình ảnh người ông, người bà, người cha, người mẹ gắn với môi trường sống đặc trưng của vùng đất miền Tây. Trong tâm tưởng, trong nỗi nhớ của các nhà thơ nữ là hình ảnh: Ông, một đời khuya sớm/ Dọc tay vào bùn nâu đoán việc mùa màng (Giấc mơ gõ cửa đời người – Trúc Linh Lan), bà “cả ngày tay không nghỉ”, cha “đầm đìa luống mạ”, “mẹ tần tảo, mẹ gian truân”, “chèo nhọc nhằn thời mẹ thời ông”. Những năm tháng xa quê, mỗi một mùa lũ, họ vẫn hình dung: Mồ hôi cha cõng cánh đồng chạy lũ (Theo em về vùng cổ tích – Huỳnh Thúy Kiều), Ba chống chiếc xuồng nước mắt rưng rưng/ Trắng đồng mênh mông (Những triền đê vỡ – Trúc Linh Lan), nhớ “má nhường cho con” chén cơm “hiếm hoi giữa ngày mưa lũ”. Họ nhớ khi cơn lũ tan: Ba chống xuồng ca vài câu vọng cổ/ Mẹ kho mắm cá linh chấm bông điên điển/ Ngọn lửa ấm mỗi nhà… hạt gạo ngọt lời ru! (Những triền đê vỡ). Bài thơ Vô cùng của Song Hảo là lòng biết ơn người mẹ miền quê đã dạy dỗ bao điều nhân nghĩa: Dạy con phải biết bao dung/ Lương thiện nằm trong trái tim nhân hậu/ Má là như vậy má ơi!

Cảm hứng làng quê trong tâm thức của các nhà thơ nữ còn biểu hiện ở ý thức về những gì thuộc về văn hóa tinh thần của vùng miền. Đó là “mái đình xưa quê nội” với lễ Kỳ Yên vẫn duy trì mỗi năm – lễ cầu an, lễ tế thần Thành hoàng – được biết là lễ hội chỉ diễn ra ở những ngôi đình thần Nam Bộ: Mùa nối mùa. Người nối người sau/ Lễ Kỳ Yên năm nào cũng có (Mái đình quê nội – Nguyễn Lập Em). Làm nên hồn cốt văn hóa vùng sông nước Cửu Long còn là những lời hát ru ầu ơ trên những chiếc võng chao, là câu hò, điệu lí, là những nhóm đàn ca tài tử, là bài hát về tâm sự người vợ nhớ chồng trong đêm khuya – bài Dạ cổ hoài langThử đến quê em một lần để nghe mẹ hát ru/ Dạ Cổ hoài lang với từ là từ phu tướng/ Say Cửu long chưa mà sao bước anh khất khưởng?/ Điệu lý non xanh…/ Anh vịn câu hò qua bậu cửa cố hương… (Sông Hậu – Huỳnh Thúy Kiều). Những giá trị bản sắc độc đáo ấy là niềm tự hào của mỗi người dân vùng đất Nam Bộ. Thế nên, người xa quê “thèm gõ nhịp song lang”, vẫn dõi về quê hương từ một tiếng đờn: Người xa quê nhớ một tiếng đờn/ Câu tài tử vọng miền cố xứ/ Nơi có mẹ già có bến sông nắng dội/ Có con đò tím ngát cuối hoàng hôn (Vọng một tiếng đờn – Trúc Linh Lan).

Trong hành trang thơ, dẫu các nhà thơ nữ cũng viết về những vùng đất họ đã đi qua như Hà Nội, sông Hồng (Tự khúc Cửu Long kính gửi sông Hồng – Huỳnh Thúy Kiều), Tam Đảo (Bức tranh – Song Hảo), Phan Rang (Tháp Chàm – Thu Nguyệt), Trường Sa (Thư gửi Trường Sa – Huỳnh Thúy Kiều),.. nhưng đó chỉ là cảm hứng bất chợt hoặc thi thoảng. Tràn ngập trong thơ họ là hình ảnh làng quê, đồng quê, thú vui ở quê đẹp và mộc mạc, chân chất, gắn với sinh hoạt của người dân quê. Về đất chín rồng của Huỳnh Thúy Kiều là bài thơ hiếm hoi thể hiện niềm tự hào về lịch sử của vùng đất chín rồng nhưng dường như nó nói thay lời cho những tác giả nữ trưởng thành sau 1975 nơi đây: Con được sinh ra từ đất chín rồng/ Nghe thế kỷ quặn mình trăn trở/ Đất miền Tây vẫn ngày đêm bồi lở/ Ơi trang sách vàng lịch sử đã vinh danh!

Cảm hứng làng quê trong thơ nữ miền Tây Nam Bộ không phải là một biểu hiện của ý thức nhìn lại trước những vấn đề phức tạp của xã hội đang phát triển thời mở cửa hay là một sự phản ứng với cuộc sống thành thị để tìm về chốn quê, dẫu rằng có nhà thơ cũng thấy cuộc sống ở thành phố là chật chội, tù túng, ngột ngạt: Hình như thành phố quá chật/ Những con chim không đủ chỗ náu mình (Con chim về đồng nội – Trầm Hương), hay thiếu đi mối quan hệ gắn bó láng giềng: Thành phố rồi dần mất thân quen (Đêm thành phố – Huỳnh Thúy Kiều). Cảm hứng làng quê xuất phát từ tiếng nói tâm hồn bật lên từ tình yêu xứ sở, gia đình của những người con thuộc vùng đất này – đồng bằng sông Cửu Long.

Chất vấn và tự thú: khát vọng yêu thành thật – cảm xúc tình yêu

Tình yêu là nguồn cảm xúc lớn trong thơ nữ đồng bằng sông Cửu Long. Các nhà thơ nữ đã không ngần ngại bày tỏ khát vọng về hạnh phúc, tình yêu. Đó là những khát vọng thuộc nhu cầu bản năng, là những khát khao tự nhiên, chính đáng, nhân bản và đời thường. Khát vọng ấy thể hiện ở sự chất vấn và tự thú khi yêu. Chất vấn và tự thú, nhà thơ nữ thể hiện sự thành thật, vừa là thành thật trong tình yêu, vừa là sự thành thật thuộc về tính cách. Tuy nhiên, cảm xúc của các nhà thơ nữ ở đây là trạng thái cảm xúc cá nhân, đơn nhất, là đời sống và nội tâm riêng của nhà thơ, chứ chưa là một thái độ, một tư tưởng xã hội.

Chất vấn trong thơ nữ miền Tây là hỏi và tự hỏi (chất vấn – tự vấn). Trong thơ nữ có mấy trạng thái chất vấn – tự vấn: trạng thái buồn, cô đơn, hụt hẫng khi bị từ chối hay bị phụ tình và trạng thái hân hoan, tin yêu, hi vọng khi tìm thấy ý nghĩa đích thực của tình yêu, của cuộc đời.

Tự vấn trở thành xu hướng chung của thơ Việt Nam từ sau 1975 khi nhà thơ đặt mình trong mối quan hệ với cộng đồng, xã hội để tự vấn nhằm khẳng định mình với những biểu hiện cụ thể có khi rất phức tạp về quan điểm, khát vọng, thái độ, tình cảm,… Đó cũng là một hành trình tự nghiệm của nhà thơ. Ý thức chất vấn mà phần nhiều là tự vấn trong thơ nữ miền Tây không phải là một hành trình truy vấn rạch ròi để mong có sự đối thoại, tìm cho ra câu trả lời về chính mình trong các mối quan hệ xã hội hay truy tìm căn nguyên về những đắng cay, hụt hẫng, mà là những lời chất vấn – tự vấn trong những trạng huống cụ thể hé lộ những cảm xúc yêu thương hay giận dỗi, trách móc khi nhẹ nhàng, khi mạnh mẽ. Nó cũng không phải là sự dằn vặt bản thân hay ai đó, mà là lời tự vấn để chiêm nghiệm rồi khẳng định tình yêu của mình và bản thân mình trong mối quan hệ yêu đương, hôn nhân.

Chiếm ý nghĩa nhiều nhất từ những lời chất vấn – tự vấn là sự khẳng định tình yêu thiết tha, nồng cháy của những người phụ nữ. Có lúc nhân vật nữ đặt câu hỏi cho chính mình, xem như là một cách để nhìn lại, để suy xét; cũng có lúc người nữ hỏi người yêu hay hỏi mà không xác định đối tượng để trách về một thái độ, một cách ứng xử nào đó; có khi cũng là một cách ngụ ý, gián tiếp để tự vấn mình. Trách sự vô tình, hững hờ của người mình yêu, nhà thơ nữ hiếm khi chất vấn với người tình “anh”: Anh phương xa vời vợi/ Có khi nào nhớ em? (Một mình – Nguyễn Thị Thúy Vân) hay: Có bao giờ anh thấy mình nông nổi? (Ngày không anh – Huỳnh Thúy Kiều). Họ thường “bóng gió” với những “người”, “người xưa”, “người thuở nào”, đặc biệt là nhà thơ nữ hay dùng đại từ “ai” phiếm chỉ nhưng ngụ ý khá rõ: Ta về nơi cũ sang sông/ Đò xưa bến mới phập phồng sóng xô/ Người xưa vắng tự bao giờ/ Lối xưa giờ lục bình hờ hững trôi (Bến lỡ – Thu Nguyệt). Đó cũng là tình cảnh tương tự khi sự chờ đợi của người thiếu nữ chỉ là vô vọng: Ta biết chờ ai khi đã cuối con đường/ Rừng cũng bỏ ta quay về một phía (Đỉnh nhớ – Lê Thanh My). Đặt câu hỏi “thời gian gần bao nhiêu là đủ?”, cô gái muốn khẳng định một điều đã rõ: sự hiện hữu bên nhau tưởng là đủ để gắn bó, yêu thương nhưng dẫu thời gian có dài mà lòng người không trọn hay đổi thay thì cũng bằng không: Nghiêng nỗi đau rớt tàn phai quá khứ/ Thời gian gần bao nhiêu là đủ?/ Mây trên đầu thả nắng giữa mùa ngâu… (Mật thư – Huỳnh Thúy Kiều). Chất vấn cũng là tự trách mình không tìm được người đáng tin, chỉ thấy người bội ước để đến nỗi: Tơ hồng ai bán chợ đông? Lỡ mua vôi bạc… em cầm truân chuyên (Cúi nhặt nhân duyên – Trúc Linh Lan), Biết ai mà cấm cây sào/ Để đo đen bạc nông sâu lòng người/ Người không từ biệt một lời/ Áo xưa mùi cũ em ngồi ngẩn ngơ (Em ngồi mơ nắng những ngày sa mưa – Trúc Linh Lan). Biết chắc rằng sẽ đau khi đang bên nhau bỗng hóa thành đơn chiếc, khi đang được nắm tay thật chặt bỗng chốc tay trống không nhưng người thiếu nữ vẫn tự vấn để ngậm ngùi: Rì rầm mãi rầm rì rồi cũng nguội/ Tôi đuối mê cơn chóng mặt cuối cùng/ “làm sao rơi mà không xây xước, khi chẳng còn ai nắm lấy tay mi? (Lỗi tại người đưa tôi đến với mây – Nguyễn Ngọc Tư). Riêng những câu hỏi liên tiếp được đặt ra trong Những ngày xa của Đinh Thị Thu Vân tưởng là chỉ trách móc, hỏi tội người mình yêu nhưng ẩn trong những câu thơ cay đắng còn là lời tự vấn để còn lại là nỗi xót xa cho một cuộc đời mà tình yêu bị từ chối: Em cúi xuống nghe tình yêu bật khóc/ nước mắt rơi mê dại trước chia lìa/ có nghĩa gì chưa, hay đành như bọt sóng/ trao đến phai tàn… chỉ nhận lấy hư không!/ trao đến phai tàn sao có thể vô tâm/ sao có thể vùi nhau tan nát chết/ sao có thể đoạn đành cách biệt? (Những ngày xa – Đinh Thị Thu Vân)

Trong thơ nữ, chất vấn – tự vấn trong trạng thái vui mừng khi tình yêu được đáp trả không nhiều nhưng cũng là một biểu hiện tự nhiên của cảm xúc khi yêu. Người con gái tự vấn: Sao cứ nhớ, tình nhân chi, rất lạ / Ngỡ hẹn hò, gặp gỡ đã trăm năm (Như là thơ đợi chờ – Nguyễn Lập Em) nhưng thực ra là một cách tự vấn dễ thương phù hợp với trạng thái tâm lí người đang yêu, là một cách khẳng định niềm hân hoan, sung sướng. Nói cách khác, người trong cuộc đã lí giải được nguyên nhân của niềm vui. Trong bài thơ Áo người yêu, cô gái chọn cách hỏi mà người đọc có thể hiểu là hỏi vật vô tri vô giác (chiếc áo), cũng có thể hiểu là hỏi người yêu một cách cặn kẽ. Người thiếu nữ có ý hỏi để khẳng định tình yêu thương trìu mến của mình dành cho người yêu: Sợi vải nào thương anh giữa đêm?/ Sợi vải nào vương hơi thở mềm?/ Sợi vải nào nhớ vùng ngực ấm?/ Sợi vải nào tương tư áo em? (Áo người yêu – Đinh Thị Thu Vân).

Có thể nói, sự chất vấn – tự vấn dưới nhiều hình thức với những cảm xúc khác nhau cho thấy niềm mong mỏi cháy lòng, thiết tha được yêu thương, được gắn bó của người phụ nữ vùng sông nước. Mỗi nhà thơ có một nỗi niềm riêng nên nội dung chất vấn – tự vấn mang tính riêng tư. Tuy nhiên, những lời trách móc dù là cụ thể, chất chứa ngậm ngùi, đắng cay nhưng vẫn là những lời lẽ nhẹ nhàng, tế nhị, có phần lặng lẽ cho thấy trong sâu xa, người phụ nữ vẫn là người nhận lấy thua thiệt, đau khổ về mình. Điều đó khiến ta cảm thông sâu sắc với nỗi niềm, hoàn cảnh của họ. Đó cũng là sự lựa chọn về một thái độ, một cách ứng xử biểu hiện của tính cách đằm thắm, chịu đựng của người phụ nữ Nam Bộ.

Trong thơ nữ đồng bằng sông Cửu Long có sự giãi bày, bộc bạch gắn với nhu cầu được thể hiện, như là sự tự thú của các nhà thơ về nỗi khát khao được yêu, được dâng hiến, được hạnh phúc và cả sự tự thú khi mối lương duyên chưa đủ yêu thương đến tận cùng. Biểu hiện của sự tự thú ở chỗ có những lúc nhà thơ lên tiếng một cách thành thật, tự nhiên và giản dị; có lúc phải đi qua sự xáo động trong tâm hồn hay là một sự nhận thức lại qua bao đắng cay của người phụ nữ.

Tự thú trong thơ nữ hiện lên trong sự phong phú của những cảm xúc nồng nhiệt với những nội dung tự thú đa dạng. Khi yêu, người thiếu nữ có lúc “hóa dại khờ”, “trái tim lạc nhịp”, “như kẻ mộng du”. Khi yêu, họ không ngần ngại thú nhận – thú nhận một cách thành thật: Em yêu anh… và em rất yêu anh!/ Em nhớ anh… và em rất nhớ anh!/ Em yêu anh trong bất hạnh ngọt ngào/ Hãy tin rằng, em chỉ nói… yêu anh! (Nói với mùa xuân – Phượng Trinh). Và do vậy, khi khát khao, khi cô đơn hay khi đau đớn, họ đều muốn giãi bày. Ta bắt gặp sự tự thú bẽ bàng của người phụ nữ lỡ thì mơ thấy mình háo hức đón nhận nụ hôn say đắm của người tình nhưng khi tỉnh giấc, cô nhận ra tất cả chỉ là một giấc mơ, chỉ là ảo ảnh: Vòng tay trống không/ Giọt lệ đắng cay vỡ ra thành những mảnh thủy tinh cứa vào trái tim em ứa máu (Sinh nhật buồn – Trúc Linh Lan) nhưng người phụ nữ vẫn không lấy đó làm nỗi tủi thân hay xấu hổ, vẫn trải lòng với mong muốn được cảm thông: Khát khao một tình yêu có thật. Đó còn là sự tự thú của một trái tim thương yêu, một tâm hồn đa cảm, ngỡ ngàng đến tội nghiệp khi người yêu, tình yêu “đi mất”: Người mang anh và tình yêu đi mất/ Bên thềm con gái/ Nắng cút côi/ Vớt đầy tay em buổi chiều ngờ nghệch (Không đề – Huỳnh Thúy Kiều). Có lúc, sự tự thú thể hiện bằng thái độ không giấu diếm về những yêu thương, mê đắm, chỉ muốn giữ cho riêng mình chút gì thuộc về người yêu, dẫu điều đó sẽ không tồn tại lâu (bởi lẽ đó là mùi da thịt): Khép cửa phòng gặm nhấm móng tay/ không đốt nến sợ mùi người tan mất/ ngoài thềm mưa xóa dấu chân (Nhân tình – Nguyễn Ngọc Tư). Trong thơ có cả sự tự thú về niềm mong mỏi cháy lòng được yêu thương và cả nỗi đau đớn hay cầu xin: Em đã nói bằng lời… tất cả, nhớ và mong/ và say đắm, và ngậm ngùi, cay đắng/ em đã nói bao lần em lặng khóc/ quỳ trước nhân gian mong được đến bên người (Lời suông – Đinh Thị Thu Vân). Niềm khát khao yêu đương đúng nghĩa một tình yêu trần thế và được dâng hiến là lời tự thú thiết tha, mãnh liệt trong bài thơ Sau cánh cửa của Đinh Thị Thu Vân: Em sẽ đánh mất mình riêng chỉ với anh thôi/ Xin được mất để hồi sinh lần cuối/ Hồi sinh đến tận cùng yếu đuối/ Đến tận cùng say đắm, tận cùng yêu . Sự tự thú của một bà mẹ về tình cảnh đang mang thai với mong mỏi cháy lòng về người đàn ông của mình, với những cảm xúc buồn vui không chỉ là một nhu cầu được biểu hiện mà còn là một sự vượt thoát lên hoàn cảnh để đứng trước cuộc đời: Yêu và xa,/ thương và đợi,/ hy vọng và thất vọng/ học mỉm cười, mẹ có cười một mình đâu, như khi khóc/ trò trốn tìm nước mắt, mẹ chẳng muốn con chơi (Nhật ký mang thai, tháng thứ ba – Nguyễn Ngọc Tư).

Thơ nữ miền Tây Nam Bộ là tiếng thơ tự thức sâu sắc về tình yêu và khát vọng hạnh phúc của con người. Trong các nhà thơ nữ vùng châu thổ Cửu Long, Huỳnh Thúy Kiều là nhà thơ hiếm hoi tự thú về tình yêu nồng nhiệt, đam mê, có phần dữ dội, vượt qua cái bình thường của thơ nữ vùng sông nước với những hình ảnh hiện đại, mới mẻ: Vùng ngực căng tròn/ Chín mọng hồn nhiên (Ngày không anh); Anh đuối sức bên hoàng hôn nắng vãn/ Non tơ em mòn vẹt ánh trăng chờ (Những mảnh ghép thời gian). Những hình ảnh như “đôi môi giao hoan”, “mơ sóng soài ôm ấp một vòng tay”, “những nụ hôn mặc áo khát”, “hiện thân em quân bài trùng sắp thắp lửa đốt quân bài anh”, “em giấu anh vào chiều, vào ngực em oi khói bếp”… không chỉ là những sáng tạo độc đáo của nhà thơ này mà hơn thế, nó diễn tả cảm giác chân thật và khát khao mãnh liệt.

Sự tự thú trong thơ của các nhà thơ còn lại gần với truyền thống. Đọc thơ về tình yêu của các nhà thơ nữ đồng bằng sông Cửu Long, nhìn lại thơ của nữ sĩ Mộng Tuyết thuở phong trào Thơ mới, mới thấy thơ nữ Nam Bộ ngày nay cũng thể hiện và cũng giữ được cái chất nhẹ nhàng, ý nhị, ngọt ngào như thơ Mộng Tuyết ngày xưa. Thơ nữ miền Tây không dữ dội, mãnh liệt, đầy thách thức như trong thơ của một số nhà thơ nữ cùng thời ở các vùng miền khác như Vi Thùy Linh (Hãy siết em, cắn em để hằn dấu vết/ Hãy nhập vào em hãy khóa và đánh mất chìa khóa trong em/ … Môi anh trong môi em còn bầm/ Chúng ta vẫn giấu hàm răng trong tiếng cười mang nỗi đau tuyệt diệu – Lá thư và ổ khóa), Nguyệt Phạm (Một ngày tôi ngồi nghe mùi mình biến thành rượu, trong, tinh khiết, ngọt và thơm/ Một nỗi hưng phấn xa xôi nuôi mầm men sinh sôi/ Mùi những gã đàn ông xa lạ đi ngang qua/ Một mùi men không quen thuộc làm tôi say – Lên men). Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng sự tự thú không ngại ngần, không giấu diếm những điều thầm kín trong thơ nữ đồng bằng sông Cửu Long cũng cho thấy có sự thay đổi về tư duy vùng miền, thể hiện sự cởi mở phù hợp với thời đại. Ở đây, nó bộc lộ cái tôi chân thành với những khát khao đời thường của người phụ nữ.

Nhìn cuộc sống, chọn một thái độ sống – cảm hứng thế sự

Cảm hứng thế sự của thơ Việt Nam sau 1975 là nguồn cảm hứng lớn về hiện thực đời sống, về con người trong xã hội thực tại với sự phong phú và phức tạp của nó. Thơ Việt Nam sau 1975 hướng đến vấn đề về nỗi đau chiến tranh, về các hiện tượng xã hội, về con người cá nhân,… Cùng mạch cảm hứng thế sự, thơ nữ đồng bằng sông Cửu Long phản ánh cách nhìn, cách nghĩ của nhà thơ nữ về cuộc sống đời thường với nhiều sự thay đổi về nhân cách con người.

Từ “cuộc sống đời thường lo toan mải miết”, “trong hỗn độn với muôn ngàn công việc” [12] , các nhà thơ nữ đã quan sát và nhìn cuộc đời với cái nhìn của người trải nghiệm, hiểu được thế thái nhân tình: Nhận ra thật giả cuộc đời (Tôi xưa – Song Hảo). Từ đó, qua hành trình đi tìm một cuộc sống có ý nghĩa, tìm hạnh phúc cho chính mình và tìm những người thật sự là bạn trong những mối quan hệ giữa người với người, các nhà thơ vui mừng khi nhận ra chính mình, thấy “mình vẫn là mình” với bản lĩnh cứng cỏi trước hoàn cảnh: “Tôi nhận ra tôi qua cơn sóng gió” (Song Hảo), “Sung sướng biết bao, tôi được chính là mình” (Lê Giang), “Tôi soi lại chính tôi” (Trúc Linh Lan).

Nhận thức được một đất nước sau chiến tranh còn bao điều phức tạp, vẫn chưa hình dung hết “kẻ thù nào còn giấu mặt”, nhà thơ nữ sống, quan sát đời sống, nhìn thẳng vào sự thật và phát hiện bao điều mang tính giá trị trong cuộc sống thường nhật đã bị thay đổi ngược lại. Đó là những ham muốn thấp hèn, những giả trá, sự vô cảm và những “mầm bệnh cuồng điên”: Gặp đâu đó trong nhục vinh ham muốn/ Những trái tim mang mầm bệnh cuồng điên/ Quá tải thấp hèn gục xuống hư danh (Trầm tích – Song Hảo). Chứng kiến bao điều thật giả lẫn lộn, các nhà thơ đã kể lại sự phỉnh lừa nhau, đóng kịch trước mặt nhau hay hám danh, hám tiền, khoe khoang, nghênh ngang, thậm chí bất cần đời của con người, vốn thực chất là những người bạn của nhà thơ: Người bạn nói với tôi bằng học vị/ Người bạn nói với tôi bằng mặt nạ nhiều màu/ Người bạn khác thì: Sao cũng được (Soi lại chính mình – Trúc Linh Lan). Dẫu đầy kiêu hãnh về “tôi” không bị lung lạc, tha hóa trước cuộc sống hiện đại gấp gáp, xáo trộn, nhà thơ nữ cũng không thể tránh khỏi băn khoăn, âu lo trước thực trạng xã hội đầy những con người thực dụng, thiếu lòng tự trọng : Tôi tự nhủ: Gương mặt nào cho buổi sáng/ Gương mặt nào cho buổi chiều/ Sự lựa chọn mỏi mệt? Trên sân khấu bi hài (Soi lại chính mình – Trúc Linh Lan). Thậm chí, họ nhận định một cách chua chát và đau xót về thế giới tinh thần, tâm hồn nghèo nàn, hư hỏng, suy đồi của con người: Bão rớt trong những tâm hồn mục rữa (Trầm tích – Song Hảo).

Nhận ra được mặt trái của cuộc đời, cũng như tình trạng tha hóa về nhân cách của con người, những điều đáng buồn của thế thái nhân tình,… để tìm và xác định lại những giá trị tốt đẹp, nhà thơ nữ có thái độ dứt khoát: Quẳng đi cái gánh đa đoan/ Bận lòng chi chuyện thế gian lọc lừa (Tôi xưa – Song Hảo). Họ chọn cho mình một thái độ sống trong sạch, thành thật, trải lòng để “trở về với chính tôi”: Dẫu chìm bến nước rong rêu/ Cũng ngoi lên giũ sạch điều thị phi/ Cho dù tôi chẳng còn chi/ Vẫn không vay mượn phút giây dối lòng/ Tôi về với tôi mênh mông/ Bao điều chưa nói còn trong kiếp người (Tôi xưa – Song Hảo). Đặt ra vấn đề lối sống, cách sống của một con người chân chính, liêm sỉ và có lòng tự trọng, thơ nữ kêu gọi: Hãy sống như một con người chân chính/ Và đâu cần ngả nón chào/ Đêm tặng anh giấc ngủ vô cùng thanh thản (Hãy – Trần Phương Lan)

Dẫu những gì chứng kiến khiến các nhà thơ nữ thất vọng nhưng với tấm lòng rộng mở, với niềm tin tưởng vào sự thay đổi, tự điều chỉnh của con người, trong đó có những người bạn, các nhà thơ luôn hướng về những điều tốt đẹp, mong muốn chân tình về một sự đổi thay, một cuộc sống như ý: Lòng trầm tích những hạt mầm nhân nghĩa/ Tôi đợi chờ gặt những mùa vui (Trầm tích – Song Hảo), Mơ một lâu đài hạnh phúc (Bến lở – Văn Lệ Trinh), Hãy cho đi với tất cả lòng nhân ái/ Đừng trông chờ được đền đáp lại/ Hạnh phúc nhất mang niềm vui đến cho mọi người (Hãy – Trần Phương Lan)

Với cảm hứng về thế sự, tuy không có nhiều nhà thơ nữ thể hiện cảm hứng này nhưng có thể nói, thơ nữ đồng bằng sông Cửu Long đã ít nhiều phản ánh những vấn đề của con người, cuộc sống đời thường, thuộc về thế thái nhân tình. Thơ họ thể hiện sự nhận thức và có ít nhiều lí giải về tích cách, hành động của con người thực tại. Dẫu không triết lí về cuộc đời, về con người nhưng từ cách thể hiện của các nhà thơ, ta hiểu được trăn trở, suy tư của họ. Thể hiện cảm hứng thế sự, tuy phản ánh chưa thật phong phú nhiều mặt của xã hội nhưng thơ nữ miền Tây Nam Bộ cũng đã thể hiện sự quan tâm của các nhà thơ đến các vấn đề của xã hội, đất nước thời kì sau chiến tranh, thời kì đất nước hội nhập với thế giới và họ cũng đã có những phát hiệt riêng.

Ngôn ngữ mang màu sắc Nam Bộ – ý thức lưu giữ lời ăn, tiếng nói quê hương

Sinh ra và trưởng thành ở miền Tây Nam Bộ, các nhà thơ nữ chịu ảnh hưởng của văn hóa vùng miền nơi đây, trong đó có ngôn ngữ. Thể hiện cảm hứng làng quê và cảm hứng tình yêu, thơ nữ đồng bằng sông Cửu Long sau 1975 sử dụng nhiều ngôn ngữ đời thường, trong đó có ngôn ngữ mang màu sắc Nam Bộ.

Đời sống hiện đại làm xuất hiện nhiều từ ngữ hiện đại và cũng đòi hỏi con người sử dụng từ ngữ phù hợp trong giao tiếp. Trong thơ của các nhà thơ nữ, tiếng Việt hiện đại, tiếng Việt mang tính toàn dân được tận dụng nhưng nó không phải là thứ ngôn ngữ trau chuốt, màu mè hay khô khốc, trần trụi. Đó là ngôn ngữ giản dị, trong sáng. Tuy nhiên, để khẳng định bản sắc riêng của ngôn ngữ vùng miền trong các sáng tác của các nhà thơ nữ thì lẽ đương nhiên là tìm những từ ngữ đậm màu sắc Nam Bộ trong các bài thơ. Thơ của các nhà thơ nữ chưa cho thấy họ thường sử dụng một hệ thống từ hay một lớp từ chuyên miêu tả hiện thực làng quê vùng sông nước miền Tây Nam Bộ. Nhưng đây đó trong các bài thơ, có nhiều từ ngữ được sử dụng một cách có ý thức. Chẳng hạn, khi nói đến đồng ruộng, sông nước nơi đây thì ắt hẳn dùng những từ đặc trưng: cầu tre lắt lẻo, mùa nước lũ, nước lớn, nước ròng, xuồng ba lá, khói đốt đồng: Nước lớn ròng/ Những hạt phù sa đọng thành cồn bãi – Song Hảo; Nơi con nước lớn nước ròng/ Xuồng ba lá lướt tràn bông lục bình – Thu Nguyệt, Nhớ khói đốt đồng, nhớ hương gạo mới – Trúc Linh Lan. Về cuộc sống, sinh hoạt của người dân, có những từ không chỉ là từ thuần Việt mà còn thuần Nam Bộ với những sắc thái riêng: nùn rơm, cá lìm kìm, nhánh bần, nước ròng, xuồng ba lá, thuyền khẳm, câu vọng cổ, tiếng đờn, kiếp hường nhan,… Sử dụng ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ, các nhà thơ nữ thể hiện ý thức khai thác, phổ biến và lưu giữ vốn từ ngữ địa phương mang tính chất riêng của quê hương xứ sở. Nó thể hiện tình yêu, niềm tự hào về quê hương, đồng thời cũng thể hiện đặc điểm riêng cho giọng thơ, ngôn ngữ thơ của các nhà thơ nữ nơi đây.

Trúc Linh Lan và Huỳnh Thúy Kiều là hai nhà thơ khai thác phương ngữ Nam Bộ nhiều nhất và cũng chính vì vậy mà nhiều bài thơ của họ đậm phong vị Nam Bộ.

Trong thơ Trúc Linh Lan, miêu tả tiếng đàn, nhà thơ dùng từ “tiếng đờn, khúc đờn kìm” – Người xa quê thèm gõ nhịp song lang/ Buồn đứt ruột đêm hoa cau ngan ngát/ Con vạc thả ngang trời tiếng kêu lưu lạc/ Khúc đờn kìm nước mắt bỗng mưa rơi (Vọng một tiếng đờn); chỉ sự nhiều đến mức ngổn ngang, nhà thơ dùng từ “bời bời” – Cây lúa bời bời lao theo nước trôi xuôi (Những triền đê vỡ; dùng từ “hường nhan” chỉ người con gái đẹp vốn là từ Hán Việt đã được Nam Bộ hóa từ cách phát âm: Kiếp hường nhan lắm lao đao/ Luồn kim se chỉ nghẹn ngào tâm tư (Tiếng ru buồn)Nhà thơ đã có dụng ý dùng từ “mẩy” để chỉ sự to và chắc của hạt thóc – Chỉ mong mưa xuống cho mùa màng mẩy hạt (Khuya châu thổ) hay từ “nùn” quen thuộc: Ngọn khói đốt đồng qua mùa nước ngập/ Em có còn nhóm lại nùn rơm (Xuân về trên đồng bằng Nam Bộ). Đặc biệt, từ “thắt thẻo” được sử dụng vừa lạ vừa gợi hình – Nước lên rồi phải không em? Bông lục bình trôi đâu mất/ Thắt thẻo vùng trời xưa một màu tím ngắt (Con cá lội sông dài).

Trong thơ Huỳnh Thúy Kiều, bên cạnh việc dùng ngôn ngữ hiện đại trau chuốt, nhất là để thể hiện tình yêu nam nữ, lứa đôi, thì nhà thơ trẻ ở vùng đất cuối cùng của Tổ quốc cũng khai thác nhiều vốn từ mang màu sắc quê hương xứ sở. Miêu tả hành động nhúng chân vào nước, đưa qua đưa lại, nhà thơ dung từ “khỏa” – Đời thương hồ soi vào đâu khỏa nước (Sông Hậu). Có đến hai lần nhà thơ dùng từ “bậu cửa” quen thuộc trong hai bài thơ khác nhau – Buồn về qua bậu cửa (Buổi chiều thưa gió); Say Cửu Long chưa mà sao bước anh khất khưởng?/ Điệu lí non xanh/ Anh vịn câu hò qua bậu cửa cố hương… (Sông Hậu) hay từ “chái bếp” – Chén cơm mùa nước lũ/ Hạt gạo thơm chái bếp (Ký ức làng). Đặc biệt, từ “mình ên” thuộc khẩu ngữ đặc trưng của miền Tây Nam Bộ được đưa vào bài thơ Thao thức Cà Mau vừa chân chất, dân dã vừa thắm tình người – Về Cà Mau bạn phải biết “mình ên”/ Để mà thương giọng cười cô thôn nữ/ Nhịp chèo khua bên dòng song bồi lở/ Nghe râm ran tiếng mạ cấy đồng chiều. Từ “quá giang” vớt nét nghĩa đi đò qua sông không lẫn vào đâu được của vùng sông nước miền Tây được nhà thơ nữ dùng thật khéo léo để miêu tả một trạng thái tâm hồn – Ghé thương nhớ quá giang màu kỉ niệm (Bến quê).

Trong khuôn khổ của bài viết này, dẫu vốn từ mang màu sắc Nam Bộ trong các sáng tác của các nhà thơ nữ chưa được tìm hiểu đầy đủ nhưng các từ được dẫn chứng trên cũng ít nhiều cho thấy được nét riêng của ngôn ngữ thơ nữ đồng bằng sông Cửu Long có nét khác biệt so với ngôn ngữ thơ của các nhà thơ nữ ở các vùng miền khác. Ngôn ngữ Nam Bộ góp phần phản ánh tính chân thực của hiện thực, đồng thời phù hợp với văn hóa vùng miền khi lựa chọn đề tài liên quan đến vùng châu thổ sông Cửu Long. Như người phụ nữ vùng sông nước Cửu Long, thơ của các nhà thơ nữ chân phương, hồn hậu, có lúc dịu dàng, đằm thắm nhưng cũng có khi mạnh mẽ, mãnh liệt. Ngôn ngữ thơ họ đậm chất Nam Bộ, hình ảnh liên tưởng gắn với những gì quen thuộc của vùng đất sông nước miền Tây. Và hơn hết, sử dụng ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ, các nhà thơ nữ thể hiện tình yêu quê hương xứ sở, ý thức lưu giữ và tận dụng vốn ngôn ngữ của quê hương.

Từ sau năm 1975, những thay đổi của xã hội, của môi trường sống thời hậu chiến, rồi thời mở cửa giao lưu khiến thơ Việt Nam có nhiều đổi mới. Vận động trong sự ảnh hưởng về diện mạo, khuynh hướng phát triển của thơ Việt Nam, dù rằng có những đặc điểm riêng về cảm hứng sáng tác, về ngôn ngữ vùng miền nhưng có thể nói, thơ nữ đồng bằng sông Cửu Long cũng ít nhiều thể hiện được những đặc điểm của thơ hiện đại Việt Nam. Đó là tình yêu quê hương đất nước, con người, là ý thức tự vấn và tự thú để khẳng định mình, là cảm hứng thế sự. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng do lối sống, tính cách vùng miền của các nhà thơ, thơ nữ chưa có nhiều sự sáng tạo mới, những suy tưởng mang tính chiều sâu và chưa có được sự bứt phá để tạo nên dấu ấn mới lạ. Bởi lẽ, phụ nữ miền Tây vốn đằm thắm, hiền hòa, chân phương và đơn sơ, mộc mạc.Thơ nữ miền Tây phản ánh suy nghĩ, tâm hồn họ. Vì vậy, nó cũng thể hiện đặc điểm của tính cách ấy. Dẫu rằng tính cách người miền Tây nói chung có ít nhiều thay đổi theo thời gian nhưng người phụ nữ Nam Bộ ngày nay vẫn giữ được phong cách đậm chất Nam Bộ.

 

(Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ”, NXB Đại học Quốc gia TPHCM, 2016)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bùi Kim Anh – Trần Thị Thắng – Trần Thị Mỹ Hạnh – Phan Thị Thanh Nhàn (Giới thiệu và tuyển chọn) (2003), Các nhà thơ nữ Việt Nam sáng tác và phê bình, NXB. Giáo dục, Hà Nội.
  2. Nguyễn Kim Anh – Vũ Ngọc – Hà Thanh Vân – Hoàng Tùng (Nghiên cứu, sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu) (2002), Thơ văn nữ Nam Bộ thế kỷ XX, NXB. Thành phố Hồ Chí Minh.
  3. Nguyễn Lâm Điền (2009), “Thơ trữ tình tâm tình và thơ trữ tình thế sự trong thơ Đồng bằng sông Cửu Long sau 1975”, kỉ yếu Hội thảo khoa học “Hiện trạng đời sống văn học Đồng bằng sông Cửu Long”, Trường Đại học Cần Thơ – Viện phát triển bền vững vùng Nam Bộ, tr.46 – 47.
  4. Huỳnh Thúy Kiều (2008), Kiều Mây, NXB.Văn học, Hà Nội.
  5. Trúc Linh Lan (2007), Đêm trầm tích, NXB.Văn nghệ TP.HCM.
  6. Nguyễn Ngọc Tư (2013), Chấm, Nhã Nam – NXB. Hội Nhà văn, Hà Nội.
  7. Nhiều tác giả (2003), Tuyển tập 15 nhà thơ Đồng bằng sông Cửu Long, NXB. Mũi Cà Mau – Ban liên lạc Hội Nhà văn Việt Nam tại ĐBSCL.
  8. Nhiều tác giả (2011), Thơ tình sông Cửu Long, NXB. Trẻ, TP.HCM.

 


* Tiến sĩ, Khoa Sư phạm KHXH Trường Đại học Sài Gòn

[1] Tên một bài thơ của Đinh Thị Thu Vân

[2] Châu thổ – Huỳnh Thúy Kiều

[3] Đêm trầm tích – Trúc Linh Lan

[4] Anh đưa em về – Trúc Linh Lan

[5] Cánh đồng sữa – Song Hảo

[6] Trầm tích – Song Hảo

[7] Tự bạch của Nguyễn Lập Em trong Các nhà thơ nữ Việt Nam sáng tác và phê bình, tr.141

[8] Hát về con mương nhỏ – Thu Nguyệt

[9] Mắc nợ đồng bằng – Huỳnh Thúy Kiều.

[10] Cánh đồng sữa – Song Hảo.

[11] Cánh đồng sữa

[12] Bến lở – Văn Lệ Trinh