Tôn giáo và thơ ca – nhìn từ phương Đông

                                                                              PGS.TS. Nguyễn Văn Hạnh [1]

1. Trong đời sống tinh thần nhân loại, ít có lĩnh vực nào lại có nhiều điểm gặp gỡ, tương đồng như tôn giáo và thơ ca. Ngay từ khi con người chưa có được một ý thức đầy đủ về mình, cùng với ý niệm về vũ trụ bao la, thần bí là sự xuất hiện một niềm tin và những tưởng tượng hồn nhiên, ngây thơ về những quyền năng của một đấng sáng thế vô ảnh vô hình. Đó là sự khởi đầu cho mối tương giao giữa tôn giáo và thơ ca. Trong đó tính chất tụng ca là một đặc điểm nổi bật. Theo Paul Claudel, nền thơ nhân loại từ thánh kinh Veda của người Ấn Độ cho đến Thái Dương ca của thánh Frăngxoa đều chứa đựng tính chất tụng ca. Và “tụng ca là động cơ lớn nhất của thi ca, bởi nó là sự thể hiện một nhu cầu tâm hồn hết sức sâu sắc, là tiếng ca của niềm vui và cuộc sống, là bổn phận của mọi sự sáng tạo, khi mỗi sinh linh cần đến tất cả các sinh linh khác”[2]. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, số phận và vai trò của tôn giáo, thơ ca trong lịch sử lại có nhiều khác biệt. Sự tồn tại của thơ ca nói riêng, nghệ thuật nói chung được xem như một tất yếu, chừng nào con người vẫn còn khát vọng về cái đẹp và nhu cầu được bày tỏ, sẻ chia. Trong khi đó, số phận của tôn giáo lại không có được sự nhìn nhận như vậy. Đã có những hoài nghi về tính trường tồn của tôn giáo, xem tôn giáo chỉ là sản phẩm của một trình độ phát triển lạc hậu, gắn liền với một thời kỳ nhất định trong lịch sử nhân loại. Độ xác tín của những tiên đoán ấy đang thuộc về tương lai. Còn hiện tại, khi lịch sử nhân loại đã bước vào thiên niên kỷ thứ ba với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành khoa học, tôn giáo vẫn tồn tại, và ngày càng chứng tỏ sức sống của mình trong đời sống tinh thần nhân loại. Xin được lấy nước Nhật làm một ví dụ. Là một nước có trình độ phát triển khoa học công nghệ hàng đầu thế giới, nhưng ngày nay, với người Nhật, tôn giáo đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu. Không ít người Nhật cùng một lúc là tín đồ của hai, ba tôn giáo. Thống kê trong cuốn niên giám về tôn giáo của hiệp hội văn hoá thế giới cho thấy, tổng số tín đồ tôn giáo ở Nhật Bản năm 1995 gần gấp hai lần so với dân số (219,83 triệu so với 120 triệu). Có một nghịch lý là chính sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ càng chứng tỏ giới hạn của trí tuệ con người. Đây là điều đã được ý thức từ rất sớm trong triết học phương Đông. “Sự bất túc của trí tuệ”, đó là bài học đầu tiên mà các thánh sư (Rishis) Ấn Độ đã truyền dạy cho các môn đệ của mình trong Upanishad. Trong minh triết phương Đông, thế giới này không phải chỉ là những gì đang biến đổi trong không gian thời gian mà ta nhìn thấy, cảm thấy, mà còn có cả một thế giới vô hình đang tồn tại, biến đổi quanh ta. Đó là thế giới mà các giác quan của ta không thể nào tiếp xúc được, chỉ có tinh thần mới mong chạm đến. Con người sẽ nhận ra nó bằng niềm tin, bằng con đường thực nghiệm tâm linh, trong sự im lặng tuyệt đối, chứ không phải bằng phân tích, biện luận. Đó là minh triết phương Đông, là cơ sở triết học cho sự tồn tại của tôn giáo với tư cách là một hình thái ý thức xã hội. Trong đó, đức tin và lòng khát khao hướng thiện đã trở thành những nhu cầu tự nhiên, mang tính nhân loại. Đây cũng chính là mục đích tối thượng của các tôn giáo và là cơ sở cho sáng tạo nghệ thuật. Nghệ thuật chân chính luôn song hành với niềm tin và khát vọng hướng thiện. Theo cách nói của Paul Claudel, “sự hoài nghi, ngờ vực, do dự chính là ung nhọt chết người của nghệ thuật chân chính”[3].

2. Kết quả nghiên cứu của các nhà khảo cổ học cho thấy, những yếu tố có tính tôn giáo, ma thuật đã xuất hiện cách đây khoảng 10 vạn năm, nghĩa là khi con người vừa tách mình ra khỏi thế giới tự nhiên và bắt đầu có ý thức về sự tồn tại của mình trong vũ trụ. Tuy nhiên, tôn giáo chỉ phát triển mạnh mẽ khi nó thực sự trở thành một ý thức xã hội, là một bộ phận trong thượng tầng kiến trúc. Trong bản chất, cũng như thơ ca, tôn giáo là một hiện tượng có tính nhân loại, và có xu hướng quốc tế hoá. Ngày nay, không một quốc gia nào trên thế giới lại không có sự hiện diện của tôn giáo trong đời sống tinh thần dân tộc, dù mức độ đậm nhạt có khác nhau. Đã có một thời gian dài trong lịch sử nhân loại, mọi mặt hoạt động của đời sống con người đều chịu sự chi phối của tôn giáo, kể cả khoa học tự nhiên. Theo giáo sư John Bowker, “chỉ khoảng 300 năm trở lại đây, tôn giáo và khoa học mới trở thành những con đường khám phá riêng biệt”.

Nhìn vào lịch sử các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, có thể thấy, tôn giáo luôn có một vị trí trong đời sống tinh thần dân tộc, đặc biệt là thời trung đại. Ảnh hưởng của tôn giáo đối với đời sống tinh thần xã hội, từ phong tục tập quán cho đến nghệ thuật là điều không thể phủ nhận. Nó vừa là nhu cầu tâm linh vừa là yếu tố góp phần làm nên diện mạo tinh thần dân tộc. Trong số những tôn giáo lớn đang tồn tại và được quốc tế hoá, như: Phật giáo, Hindu giáo, Hồi giáo Thiên Chúa Giáo đều ra đời ở phương Đông. Tôn giáo ở phương Đông, đặc biệt là Phật giáo, trước hết là một học thuyết về thế giới bên trong của con người, chỉ ra cách thức để để đạt tới chiều sâu tâm hồn, sự giàu có tâm linh. Bởi thế, cũng dễ hiểu khi ở nhiều nước phương Đông, đặc biệt là Ấn Độ, tôn giáo được xem như một thuộc tính tự nhiên của con người, sinh ra với con người. Đã là người Ấn Độ, mặc nhiên phải là một tâm hồn tôn giáo. Người Ấn cho rằng, người không tôn giáo như thân xác không linh hồn. Ngay cả những người như R. Tagore, dù không thuộc về một tôn giáo nào thì cũng tạo ra một tôn giáo cho riêng mình – “Tôn giáo con người” (The Relion of Man), “Tôn giáo của nhà thơ” (The Relion of an Artist).

Không phải là quê hương của các tôn giáo lớn, nhưng các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, trong suốt hàng ngàn năm qua, tôn giáo cũng đã song hành với lịch sử dân tộc, trong đó có lịch sử thơ ca. Ở Trung Quốc thời trung đại, trong suốt nhiều thế kỷ, do sự thống trị gần như tuyệt đối của tư tưởng Nho giáo, tôn giáo không đóng vai trò to lớn trong đời sống xã hội, ngay cả đời Đường, thời kỳ được xem là hoàng kim của của Phật giáo. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của Phật giáo đối với xã hội đời Đường là điều không thể phủ nhận, đặc biệt là phái Thiền tông, một tông phái không chú ý đến kinh điển, nghi lễ, chỉ lấy việc ngộ đạo làm mục đích. Sống cuộc đời giản dị, thích gần gũi thiên nhiên, tìm sự yên tĩnh để di dưỡng tinh thần, đó là mục đích cao nhất của các thiền sư, và cũng là cốt cách của những nhà nho đã thoát vòng tục luỵ, trần ai. Sự ảnh hưởng của Phật giáo, vì vậy, trước hết là trong chiều sâu tâm linh, trong khát vọng giải thoát. Nó góp phần hình thành lối sống, nhân cách cho con người. Có thể lấy Bạch Cư Dị, một trong ba nhà thơ lớn nhất của đời Đường, làm ví dụ. Ông vừa là nhà nho vừa là Phật tử. “Đối với cuộc đời thì xử thế theo cách của nhà nho, còn bên trong thì suy tư theo Phật giáo. Sơn, thuỷ, phong, nguyệt luôn ở bên ông. Ông say sưa với cầm, ca, thi, tửu”. Đó là những dòng chữ khắc trên bia mộ nhà thơ, là sự khái quát về phẩm cách con người thi nhân. Có thể nói, con người ông, cuộc đời ông là một sự hoà trộn tuyệt đẹp giữa Nho giáo và Phật giáo, giữa đạo và đời. Điều đó góp phần làm nên tầm vóc lớn lao và sự trác tuyệt của thơ ông.

Khác với Trung Quốc, do chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hoá Ấn Độ, ở các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Cămpuchia… kinh sách Phật giáo không chỉ có trong nhà chùa, mà còn được dùng làm sách giáo khoa. Ngôn ngữ Pali vừa được dùng để ghi chép kinh kệ, phục vụ cho mục đích truyền đạo vừa là ngôn ngữ thơ ca. Phật giáo đã trở thành tôn giáo chính thống, góp phần làm nên diện mạo tinh thần dân tộc. Những tư tưởng triết lý chứa đựng tinh thần nhân bản sâu sắc của Phật giáo đã thấm một cách tự nhiên vào tâm hồn con người, trở thành những nguyên tắc đối nhân xử thế thấm đậm tình người. Các nhà sư vừa là kẻ tu hành vừa là nghệ sĩ. Có thể lấy truyện thơ Tum Tiêu của Cămpuchia làm một ví dụ. Trong đời sống tinh thần của người dân Cămpuchia, Tum Tiêu có một vị trí đặc biệt. Nó được xem như Truyện Kiều ở Việt Nam. Tác phẩm được viết dựa trên một chuyện tình có thật, xẩy ra vào thế kỷ XVI. Đó là mối tình bi thảm của đôi trai tài gái sắc là Tum – chú tiểu trên chùa, và Tiêu – thiếu nữ con nhà quyền quý. Để trở thành một tác phẩm hoàn chỉnh, kết tinh tư tưởng tình cảm của nhân dân Cămpuchia, truyện thơ Tum Tiêu đã trải qua một quá trình hình thành trong hàng trăm năm, mà các tác giả của nó là những nhà sư nổi tiếng. Trong đó, Đại Đức Bôtum Mátthê Xôm (1852- 1932) trụ trì ở chùa Kom Prâu, tỉnh Prây veng là người hoàn chỉnh tác phẩm với 4024 câu thơ làm theo thể tám chữ và được viện Phật học Cămpuchia xuất bản lần đầu vào năm 1925. Lồng chứa trong câu chuyện tình bi thảm của Tum và Tiêu là tư tưởng Phật giáo với những triết lý nhân sinh sâu sắc đã được nghệ thuật hoá trong thế giới hình tượng đặc sắc của tác phẩm. Chính điều này đã góp phần lý giải sức sống lâu bền và những ảnh hưởng to lớn của tác phẩm trong đời sống tinh thần Cămpuchia, một đất nước mà Phật giáo đã trở thành quốc giáo.

Từ thế kỷ XV, kể từ khi Vansco De Gama, nhà hàng hải Bồ Đào Nha phát hiện ra tiểu lục địa Ấn Độ, một cuộc tiếp xúc Đông – Tây đã bắt đầu. Cùng với trao đổi thương mại là quá trình truyền giáo. Các nhà truyền giáo Tây phương đã mang đến cho phương Đông những giáo lý mới mẻ của Chúa ki tô. Dĩ nhiên, đó là một quá trình diễn ra lâu dài và hết sức phức tạp. Đã có những nơi, những lúc nó gắn liền với hành động cưỡng bức, đồng hoá của những kẻ đi xâm lăng. Kết quả của nó là đến nay, hầu hết các nước ở phương Đông như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam… đều có sự hiện diện của Thiên Chúa giáo. Ở những mức độ khác nhau, nhưng sự ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo trong đời sống tinh thần của mỗi dân tộc là điều không thể phủ nhận. Và như vậy, có thể thấy, cùng với các tôn giáo bản địa, sự du nhập những tôn giáo ngoại lai đã góp phần làm phong phú, đa dạng hơn đời sống tinh thần xã hội, trong đó có thơ ca. Chẳng hạn, ở Nhật bản ngày nay, bên cạnh đạo Shinto (Thần đạo) có nguồn gốc Nhật Bản, Phật giáo, Thiên Chúa giáo đã trở thành những tôn giáo chính thống, có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn trong đời sông xã hội, trong đó Phật giáo có tới 92 triệu tín đồ. Bởi thế không thể nào hiểu được văn hoá, văn học Nhật Bản nếu bỏ qua ảnh hưởng của tôn giáo đối với đời sống tinh thần người Nhật.

Như vậy, có thể thấy, ngoại trừ Ấn Độ, ở các nước phương Đông như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, có hay không một dòng văn học tôn giáo là điều cần được bàn thêm. Tuy nhiên có một thực tế không thể phủ nhận là sự hiện diện những hiện tượng thơ ca – tôn giáo trong văn học các nước này. Đây có thể xem là những hiện tượng thơ ca đặc biệt. Nó mang đến cho văn học một tiếng nói khác lạ, vừa gần gũi, huyền diệu, vừa thăm thẳm một chiều sâu không dễ gì với tới hết. Thơ của Vương Duy ở Trung Quốc, Không Lộ Thiền Sư, Hàn Mặc Tử ở Việt Nam, Basô ở Nhật Bản… là những hiện tượng như thế. Nó đòi hỏi phải được tiếp nhận, đánh giá theo một cách riêng.

3. Cũng như các hình thái ý thức xã hội khác, sự tồn tại và phát triển của tôn giáo và thơ ca, một mặt chịu sự tác động của tồn tại xã hội, mặt khác là sự ảnh hưởng tương tác giữa chúng với các hình thái ý thức khác, đặc biệt là các thiết chế xã hội, như chính trị, nhà nước, pháp luật. Điều này góp phần lý giải sự không đồng đều về trình độ phát triển cũng như mối quan hệ giữa tôn giáo và thơ ca ở các thời kỳ và các nước khác nhau. Ở thời cổ đại, trình độ phát triển của các nước phương Đông nhìn chung là tương ứng, ngoài trừ một số nước đã kiến tạo được một nền văn minh rực rỡ như Ấn Độ, Trung Quốc, Ai Cập, Ba tư. Thần luận là tư tưởng chi phối mọi mặt đời sống xã hội cổ, trong đó có nghệ thuật, thơ ca. Và trong những hiện tượng đặc biệt như thánh kinh Veda của Ấn Độ, thì ở đó, tôn giáo và thơ ca đã thống nhất làm một, một sự thống nhất tự nhiên trong tâm hồn cũng như cách thức bày tỏ của con người cổ đại. Cùng với sự ra đời của xã hội có giai cấp, con người mất dần sự hồn nhiên vốn có, thay vào đó là tính vụ lợi. Tôn giáo và thơ ca đã trở thành những bộ phận trong thượng tầng kiến trúc, tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội và có xu hướng bị chính trị hoá. Thực tế cho thấy, mặc dù “chưa bao giờ là một thể chế xã hội có đầy đủ uy quyền như ở các nước phương Tây” (Nguyễn Kiên Giang) nhưng ở nhiều nước phương Đông thời kỳ trung đại, tư tưởng tôn giáo thực sự là yếu tố quan trọng nhất trong thượng tầng kiến trúc xã hội. Các yếu tố hợp thành thượng tầng như pháp luật, lý thuyết chính trị, hệ thống đạo đức, những quan niệm mỹ học, tư tưởng triết học đều chịu sự chi phối của tôn giáo. Có thể lấy Phật giáo, một tôn giáo có phạm vi phổ biến rộng rãi nhất ở các nước phương Đông, làm ví dụ.

Ra đời ở miền Tây – Bắc Ấn Độ vào thế kỷ thứ VI (tr.CN), Phật giáo dần dần khẳng định được ví trí của mình trong đời sống tinh thần Ấn Độ với tư cách là một tôn giáo chính thống, và đạt đến cực thịnh vào thế kỷ III (tr.CN) dưới vương triều Asoka. Vào những năm đầu công nguyên, Phật giáo bắt đầu lan toả ra nhiều nước ở Đông Bắc Á, Đông Nam Á, và được quốc tế hoá. Thời điểm hưng thịnh của Phật giáo ở các nước có khác nhau, song có một điểm tương đồng, đó là sự chi phối mạnh mẽ của tư tưởng Phật giáo đến đời sống xã hội, trong đó có nghệ thuật, thơ ca. Phật giáo không chỉ là tín ngưỡng, mà còn là đạo đức, triết học, là hệ thống quan niệm mỹ học. Dưới sự chi phối của nhận thức luận và quan niệm mỹ học Phật giáo (mà ta quen gọi là mỹ học thiền), một nền nghệ thuật trác tuyệt bao gồm kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ, thơ ca… đã xuất hiện ở nhiều nước phương Đông, mà tiêu biểu là Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và hầu hết các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Cămpuchia, Việt Nam. Không thể nào hình dung được sự tinh tế, thâm trầm của văn học nghệ thuật trung đại ở nhiều nước phương Đông nếu bỏ qua sự chi phối của mỹ học thiền. Có thể thấy điều này qua các sáng tác của Vương Duy trong Đường thi, Bashô trong văn học Nhật Bản, hay thơ văn của các thiền sư đời Lý – Trần ở Việt Nam.

4. Là những hình thái ý thức xã hội, tôn giáo và thơ ca đều có khả năng nhận thức và tái hiện đời sống thực tại. Theo cách nói của nhận thức luận biện chứng, chúng đều hàm chứa một khả năng phản ánh. Bản chất tôn giáo, theo F. Engel, “chỉ là sự phản ánh hư ảo vào trong đầu óc con người của những lực lượng bên ngoài chi phối cuộc sống hằng ngày của họ; chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu thần thế”. Như vậy, có thể thấy, sự khác biệt giữa tôn giáo và thơ ca chỉ là ở cách nhận thức và hình thức biểu hiện. Nếu ở thơ ca, chân lý cuộc sống được nhà thơ nhận thức thông qua những rung động nghệ thuật và được thể hiện bằng một thế giới hình tượng, thì ở tôn giáo, chân lý được nhận thức bằng thực nghiệm tâm linh, qua những chiêm nghiệm suy tư và được biểu đạt bằng những ý niệm, thông qua một thế giới biểu tượng. Bởi thế, nếu đặc tính của thơ ca là cụ thể, cảm tính thì đặc tính của tôn giáo là trừu tượng, siêu hình. Tuy nhiên, sự phân biệt trên đây chỉ là tương đối, không có ý nghĩa phổ quát với mọi loại hình thơ. Lịch sử thơ ca, đặc biệt là thơ ca phương Đông, đã cho thấy có nhiều điểm tương đồng trong tư duy tôn giáo và thơ ca. Bởi thế, mối quan hệ giữa tôn giáo và thơ ca nhiều lúc không chỉ là gặp gỡ, giao thoa, mà đạt đến độ thống nhất hài hoà, khó tách biệt rạch ròi. Xu hướng của đời sống xã hội, đặc biệt ở phương Đông, là cá nhân phụ thuộc vào cộng đồng, trong khi đó tư tưởng tôn giáo và sự tìm tòi tinh thần lại luôn nhấn mạnh đến cá nhân. Sự siêu thoát và hiểu biết chân lý tối hậu không bao giờ thuộc về cộng đồng. Nó hoàn toàn mang tính cá nhân, cá thể. Theo cách nói của thiền sư Quảng Nghiêm (1122 – 1190), mỗi người tự tìm cho mình một con đường đi riêng để trở thành Phật (Nam nhi tự có chí xung thiên, chớ bước theo vết Như Lai đã bước). Cũng như vậy, đối với thơ, dù hướng nội hay hướng ngoại, ý thức hay vô thức, hiện thực hay siêu thực, thơ bao giờ cũng là tiếng nói, nỗi niềm của một con người cá nhân cụ thể. Trong lời tựa Kinh thi, một trong những tác phẩm được xem là đầu tiên của thơ ca phương Đông, Chu Hy đã viết:”Thơ là cái dư âm của lời nói trong, khi lòng người cảm xúc với sự vật mà nó thể hiện ra ngoài”. Cái mà Chu Hy gọi là “lời nói trong”, chính là tiếng nói nội tâm của chủ thể trữ tình. Không phải ngẫu nhiên, thơ được ví như bông hoa nảy nở trong lòng thi nhân (Thi yếu tự phát kỳ tâm hoa), là “nụ cười và nước mắt, phản ánh một cái gì đó đã hoàn thiện từ bên trong” (R. Tagore). Thành phần chủ yếu của thơ, vì vậy, chính là “sự biểu hiện của cái tôi” (Quách Mạt Nhược) và “làm thơ không thể không có cái tôi” (Tác thi, bất khả dĩ vô ngã). Những ý kiến trên đây dù khác nhau trong cách thể hiện, song đều nhấn mạnh vai trò của chủ thể trữ tình trong mối tương giao, bình đẳng giữa cảnh vật và con người, giữa ngoại giới và tâm giới. Trong bản chất, sáng tạo thơ ca là sự trở về với chính mình, thành thật với chính mình, giải toả những cảm xúc dồn nén trước một hiện tượng nào đó của đời sống thực tại, là cuộc hành trình đơn độc lẻ loi của cá nhân người nghệ sĩ. Trong giây phút sáng tạo, nhà thơ như một kẻ tu hành, một ẩn sĩ, cô đơn, tìm kiếm. Mọi liên hệ với thế giới bên ngoài được loại bỏ. Thế giới nội tâm là thực tại duy nhất. Ranh giới giữa bên trong và bên ngoài, thực và mộng trở nên nhạt nhoà. Điều này đặc biệt thấy rõ ở kiểu nhà thơ – tín đồ. Nhiều nhà thơ Đường – Tống như Tô Đông Pha, Nghiêm Vũ, Lữ Bổn Trung, Hàn Câu… đã đề xướng lý luận lấy tham thiền để học thơ. Theo họ, học làm thơ không phải là học chọn chữ, ghép vần, phép tắc, đối liên. Căn cốt của thơ là ở sự thể nghiệm tự nhiên chân tính của mình. Hàn Câu, một trong những nhà thơ nổi tiếng của “Giang Tây Thi Phái” đời Tống đã có bốn bài thơ đề cập đến điều này. Xin được dẫn một bài trong số đó:

Học thơ rất giống học tham thiền/ Đừng chấp vào câu với đối liên/  Thi sĩ khắp nơi đều được thế/ Ngàn muôn năm sẽ mãi lưu truyền.

Với cách nhìn ấy, giấy phút sáng tạo thơ của người nghệ sĩ được xem như là khoảnh khắc đốn ngộ, siêu thoát của một kẻ chân tu. Sự tìm kiếm cô đơn gắn liền với những thể nghiệm tâm linh sẽ giúp nhà thơ có được những phút giây huyền diệu, khải thị, thăng hoa, nghe được những điều không ai nghe; thấy được những điều không ai thấy. Theo cách cách nói của A. de Musset (1810 – 1857), khoảnh khắc ấy “người ta không làm gì cả, chỉ lắng nghe, giống như một người bí ẩn nào đó nói vào tai bạn”. Như vậy, về bản chất, tôn giáo và thơ ca đều có chung một hình thức tư duy, đó là tư duy hướng nội. Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa tôn giáo, thơ ca và các ngành khoa học. Với thơ ca, hướng nội là cách thức nhà thơ trở về với chính mình, khám phá những vỉa tầng thăm thẳm trong thế giới tinh thần cá nhân, cá thể. Ở đó có cả phần ý thức và phần vô thức chìm lấp trong bản thể con người. Nó chỉ phát lộ trong những giây phút thăng hoa của người nghệ sĩ. Điều này giúp ta hiểu vì sao có những ý thơ, những con chữ chỉ chợt đến một lần như trong giấc mộng, nhiều lúc vượt thoát ra ngoài sự kiểm soát của lý trí. Nhà thơ không phải viết những gì nhìn thấy, mà viết những gì chợt đến trong hồn thơ. Nói một cách khác, không phải thi nhân đang làm thơ mà là thơ tìm đến với thi nhân. Chỉ có khoảnh khắc đó mới có được sự xuất thần của câu chữ. Theo cách nói của Hàn Mặc Tử, làm thơ, nghĩa là “nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng”, là thể hiện sự “ham muốn vô biên những nguồn khoái lạc trong trắng của một cõi trời cách biệt” (thư gửi Hoàng Trọng Miên – Chơi giữa mùa trăng). Theo G. Hegel, sự thống nhất của tác phẩm thơ ca, là ở “nội cảm chủ thể”, và “nội cảm chủ thể phải được xem là nhân tố làm cho tác phẩm trữ tình có được tính thống nhất của nó”[4]. Mối liên hệ với khách thể đã được nội cảm hoá trong tâm hồn nhà thơ. Điều này đặc biệt thấy rõ ở sáng tác của các nhà thơ – thiền sư, mà M. Basô (1644-1694) là một ví dụ. M. Basô làm thơ như một thiền sư thiền định. Ông lấy sự im lặng để thấu đạt chân lý, và là nguyên tắc biểu đạt tối thượng “dĩ tâm truyền tâm” với thi pháp “vô ngôn”. Cũng như nhiều nhà thơ phương Đông khác, Basô thích sống gần gũi với thiên nhiên, khát khao trở về với thiên nhiên, giao cảm với thiên nhiên. Với ông nhìn thấy gì cũng đều nhớ tới hoa, nghĩ điều gì cũng liên tưởng tới trăng. Thiên nhiên trong cái nhìn của ông không còn là thực thể của ngoại giới mà đã được tinh thần hoá, hoà đồng với con người trong khát vọng hướng tới cõi vô cùng. Đó là một thiên nhiên mang đậm màu thiền. Cũng như các thi nhân – thiền sư, sáng tác của ông không nhiều, nhưng lại có một sức ám gợi hết sức đặc biệt. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là tập thơ Con đường sâu thẳm, một tác phẩm được xem là điển hình cho cách nhìn, cách cảm, và lối thể hiện biến ảo của Basô. Con đường sâu thẳm cũng chính là con đường đi đến với cái sâu thẳm bên trong, kỳ diệu, một con đường hướng mở về cõi vô cùng, tìm kiếm con đường giải thoát tâm linh. Đây là hình ảnh M. Basô trên đường viễn du:

Áo bông tôi cởi/ Quẩy trên vai trần/ Mùa thay đổi áo

Bài thơ chỉ có vậy. Một lữ khách phiêu lãng cởi bỏ chiếc áo, khoác trên vai trần, bước trên đường và chợt nhận ra mùa đã đổi áo. Tuy nhiên, đó chỉ là ý nghĩa bề mặt của bài thơ. Chiều sâu suy tưởng, sự tinh tế của tâm hồn nhà thơ lại chìm khuất ở đằng sau những con chữ, thấp thoáng ẩn hiện giữa những khoảng lặng vô ngôn, không dễ gì năm bắt. Đó đâu chỉ là chuyện con người thay áo, mà là sự chuyển đổi của đất trời, biến thiên của vạn vật. Thiên nhiên và con người, ngoại cảnh và tâm cảnh như đã hoà làm một trong sự vận hành đổi thay của vũ trụ. Nếu xem sự tĩnh tâm, hướng nội là một đặc điểm nổi bật của tư duy tôn giáo, thì ở đây tư duy thơ Basô đã hoàn toàn nằm trong quỹ đạo ấy. Ông đã sáng tạo nên một thế giới của riêng mình, thếgiới của những giá trị tinh thần thuần khiết. Ở đó, ranh giới giữa thực tại và ảo mộng là hết sức mong manh.

Nghiên cứu mối quan hệ giữa cái siêu thực và sáng tạo nghệ thuật, Roberto Assagioli (1888- 1974), nhà tâm lý học nổi tiếng người Italia cho rằng, bên cạnh khả năng trực giác (Intuition) con người, nhất là ở những tài năng siêu việt còn có những phẩm chất tâm lý nổi bật như tưởng tượng, sự loé sáng, khải thị… Và theo ông, những khả năng này ở những tài năng như Dante, R. Tagore là rất đặc biệt. So sánh R. Tagore và Dante, ông cho rằng, nhờ khả năng “loé sáng”, R. Tagore đã “nhận ra vẻ đẹp” của thế giới thực tại như một điểm nổi bật nhất. Còn Dante, nhờ sự “loé sáng” mà cảm nhận được “một cách tuyệt diệu sự hoà trộn” nhiều bộ mặt khác nhau của thế giới. Như vậy có thể thấy, nhờ tính chất hướng nội của tư duy, thơ ca có thể mang đến cho con người một khả năng nhận thức sâu sắc về thế giới thực tại. Nhà thơ không phải phản ánh thực tại, mà là nghiền ngẫm về thực tại. Mọi vấn đề của hiện thực đời sống khi đi vào thơ đều đã được nổi cảm hoá bởi một cái nhìn bên trong của người nghệ sĩ. Sự thống nhất của bài thơ với tư cách là một chỉnh thể nghệ thuật được bắt nguồn ở đó. Nguyên tắc tối thượng trong việc tổ chức bài thơ, đặc biệt là khuynh hướng thơ triết lý, là phải phù hợp với sự vận động của tư tưởng, cảm xúc chủ thể. Độ dài ngắn, vần, nhịp của câu thơ, bài thơ, suy đến cùng đều có căn nguyên trong tư tưởng, cảm xúc của chủ thể trữ tình. Theo Chế Lan Viên, nghệ thuật làm thơ dường như chỉ gói gọn trong ba vấn đề chính: quan sát, phân tích nội tâm, tưởng tượng. Và cả ba vấn đề đó “phải thật sự là của mình”. Không phải ngẫu nhiên khi có người ví nhà thơ lớn như hạt muối nhỏ “chất chứa dồn nén trong mình tất cả những vị mặn chát của đại dương” (Nguyễn Hưng quốc). Nếu sáng tạo nghệ thuật là một hoạt động chủ quan, gắn liền với tư tưởng, tình cảm tài năng, cá tính của người nghệ sĩ, thì sáng tạo thơ ca là điển hình cho sự chủ quan ấy. Trong đó tính chất hướng nội là một nguyên tắc cơ bản. Thoát ra ngoài hệ thống ngôn ngữ bình thường, “thơ là tiếng nói của nội tâm không giống một thứ tiếng nói nào khác” (Croce). Và đây chính là điểm tương đồng giữa tư duy thơ và tư duy tôn giáo. Hàn Mặc Tử từng xem thơ như một thứ đạo – “Đạo thơ’, còn R. Tagore lại nói tới một thứ tôn giáo đặc biệt – “Tôn giáo của nhà thơ” (The Relion of an Artist). Cái khác biệt giữa chúng là ở chỗ, tư duy tôn giáo tuyệt đối hoá yếu tố bên trong, xem đó là thực tại duy nhất, và biểu đạt nó bằng một hệ thống khái niệm trừu tượng, siêu hình. Cơ sở triết học của tôn giáo là chủ nghĩa duy tâm. Trong khi đó, tư duy hướng nội trong thơ, về thực chất là quá trình nội cảm hoá khách thể và biểu đạt nó bằng một thế giới hình tượng cụ thể, cảm tính.

5. Như đã nói ở trên, mặc dù không phải là một hiện tượng phổ biến, nhưng thơ – tôn giáo thực sự đã và đang tồn tại trong các nền thơ phương Đông, góp phần làm nên một diện mạo, một bản sắc riêng trong thơ ca nhân loại. Nhiều hiện tượng thơ ca – tôn giáo như Vương Duy, Basô, R. Tagore, Hàn Mặc Tử … ngày càng xuất hiện nhiều trong chương trình môn văn ở các cấp học, từ đại học đến phổ thông. Tuy nhiên, để nắm bắt nó quả là điều không dễ. Ý thức được điều này, đã có những cố gắng xác lập mô hình tư duy thơ – tôn giáo, nhằm khu biệt nó với các hình thức thơ trữ tình khác[5]. Song cho đến nay kết quả chưa được bao nhiêu. Nghiên cứu mối quan hệ giữa tôn giáo và thơ ca, vì vậy, không chỉ có ý nghĩa lý thuyết mà còn có ý nghĩa thực tiễn, góp phần tháo gỡ khó khăn trong quá trình giải mã những thế giới nghệ thuật huyền diệu, bí ẩn này.

(Tạp chí Văn học, số 2/ 2006)

 

[1] . GVCC. Khoa Sư phạm xã hội, Đại học Sài Gòn

[2]. Paul Claudel, Tôn giáo và thơ ca, Văn học nước ngoài, số 4/ 1998

[3] . Tư liệu đã dẫn

[4] . G. Hegel, Mỹ học, tập 2, Nxb Văn học, 1998

[5] . Đỗ Lai Thuý, Con mắt thơ, Nxb Giáo dục, H. 1998., tr 241.